Khép lại thời băng giá

Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 12/09/2011

(HNM) - Ngày 11-9, Thủ tướng Anh David Cameron đã tới Mátxcơva theo lời mời của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Chuyến thăm hai ngày này được kỳ vọng đưa quan hệ Nga - Anh thoát khỏi "thời kỳ băng giá" kéo dài suốt 4 năm qua.

Chuyến đi cùng đoàn tùy tùng gồm nhiều nhà doanh nghiệp và đại diện các cơ quan trọng yếu của Thủ tướng D.Cameron cũng khẳng định sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của nội các Anh hiện nay với Nga so với đường hướng có phần cứng rắn của chính phủ tiền nhiệm - vốn gây không ít sóng gió cho quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng Anh David Cameron. Nguồn: Internet

Khởi nguồn cho những căng thẳng giữa Mátxcơva và London trong thời gian qua bắt đầu bằng vụ cựu nhân viên an ninh Nga (KGB) Alexander Litvinenko đang lưu vong tại Anh chết do bị đầu độc bằng chất phóng xạ (năm 2006). London muốn Nga dẫn độ nghi phạm trong vụ sát hại này là cựu nhân viên KGB Andrei Lugovoi. Nhưng Mátxcơva tuyên bố Hiến pháp Nga cấm dẫn độ các công dân Nga ra nước ngoài xét xử; đồng thời khẳng định không có bằng chứng để giao A.Lugovoi. Năm 2007, mâu thuẫn giữa hai nước đã lên tới mức "báo động đỏ" khi Mátxcơva yêu cầu đóng cửa các văn phòng Hội đồng Anh tại Nga từ năm 2008 với lý do trốn thuế và hoạt động phi pháp. Quyết định của Nga đã kích hoạt một loạt động thái trả đũa dẫn đến việc hai bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

Khi Tổng thống Dmitry Medvedev lên nắm quyền năm 2008, quan hệ song phương đã có dấu hiệu phục hồi thông qua một số liên lạc cấp cao. Ông chủ Điện Kremlin đã chủ động gọi điện chúc mừng ông D.Cameron đắc cử Thủ tướng Anh. Ngoại trưởng Anh William Hague có chuyến thăm Nga năm 2010. Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc này vẫn còn hạn chế so với thời kỳ Thủ tướng Anh Toni Blair đương nhiệm. Khi đó, quan hệ Nga - Anh được xếp vào hạng mục tiêu ưu tiên trong chính sách của cả hai nước. Những bất đồng xuất hiện đều được thảo luận khá kín kẽ trong các cuộc đối thoại song phương. Biện pháp này đã giúp hai bên đạt được nhiều thỏa hiệp trong các vấn đề chiến lược.

Hiện tại, những mâu thuẫn ngoại giao giữa hai nước vẫn chưa gây ảnh hưởng đáng kể tới kim ngạch thương mại song phương, Anh vẫn giữ vị trí là nhà đầu tư lớn thứ sáu của Nga. Tuy nhiên, sẽ không có gì bảo đảm cho triển vọng hợp tác kinh tế Nga - Anh nếu quan hệ giữa hai nước không được cải thiện. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, Anh sẽ là bên hứng chịu tổn thất nhiều hơn nếu tình trạng căng thẳng kéo dài. Vì vậy, đây cũng là mục đích chính của Thủ tướng Anh D.Cameron khi tới Mátxcơva.

Các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Thủ tướng D.Cameron với Tổng thống D.Medvedev sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (12-9). Nhiều ý kiến nhận định rằng, rất khó để Nga và Anh có thể hóa giải hết núi mâu thuẫn tồn tại trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, hai bên sẽ ký kết một số hợp đồng kinh tế như một bằng chứng khẳng định quyết tâm đưa quan hệ Nga - Anh bước sang một trang mới. Ngoài ra, hai bên cũng dự định sẽ nối lại kênh chia sẻ thông tin tình báo giữa cơ quan an ninh hai nước.

Hiện tại, dư luận cũng hy vọng cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo chính phủ hai nước sẽ góp phần cải thiện đáng kể quan hệ song phương Nga - Anh. Bởi kể từ cuộc gặp song phương giữa cựu Thủ tướng Anh T.Blair với Tổng thống V.Putin bên lề cuộc họp thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) năm 2007, London cho biết hai bên không có cuộc tiếp xúc nào giữa người đứng đầu Chính phủ Anh với ông V.Putin.

Quỳnh Chi