Trung thu có còn là Tết của trẻ em ?
Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 11/09/2011
Trần Thu Hoài (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi):
- Những dịp Trung thu cách đây vài năm, chúng em thường tụ tập phá cỗ trông trăng với bánh nướng, bánh dẻo, con chó bông làm từ quả bưởi hay các hình nộm từ quả hồng, quả táo... Sau màn phá cỗ, trẻ con đi rước đèn với đủ loại hình thù độc đáo như đèn hình ngôi sao, hình con thỏ, đèn kéo quân, còn có loại đèn "tự chế" từ giấy thủ công, bìa màu... Bây giờ, Trung thu chẳng mấy thú vị nữa. Nhà cao tầng mọc lên san sát, đèn điện sáng choang, muốn bày cỗ để ngắm trăng cũng khó. Trên những con phố Hàng Mã, Lương Văn Can, em thấy vắng bóng những chiếc đèn thủ công, đơn sơ ngày xưa. Thay vào đó là các món đồ chơi Trung Quốc như súng ống đồ chơi bạo lực, siêu nhân hiện đại, đèn lồng chạy pin...
Nguyễn Mai Hương (học sinh lớp 10, Trường THPT Yên Viên):
- Em thấy Trung thu bây giờ chỉ dành cho người lớn. Mỗi dịp Trung thu, mọi người lại đua nhau tìm mua những chiếc bánh nướng, bánh dẻo có giá đắt đỏ để đi làm quà biếu cho "sếp". Bọn trẻ chúng em thì đâu cần những chiếc bánh "xịn" như vậy. Trước đây, mỗi dịp Trung thu, xóm em còn có đoàn văn nghệ hóa trang thành chú Cuội, chị Hằng, múa sư tử biểu diễn ở sân khấu ngoài trời. Nhưng gần đây không tổ chức nữa, chúng em muốn xem chú Cuội, chị Hằng thì chỉ biết bật ti vi lên có chương trình giải trí chiếu vào dịp Trung thu. Đồ chơi, bánh kẹo ngày càng sẵn nên trẻ con muốn mua là được, đâu cần phải đợi đến dịp Tết Trung thu.
Anh Nguyễn Quang Huân (phụ huynh học sinh, Hà Nội):
- Nghe các cháu nói chuyện về Trung thu mà người lớn chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ngày còn bé, chúng tôi luôn háo hức chờ Tết Trung thu với tiếng trống ếch tưng bừng ngõ xóm cùng những buổi múa hát, rước đèn, múa lân, cùng nghe kể chuyện chú Cuội trông trăng… Trung thu bây giờ ngày càng khác xưa. Những món đồ chơi Việt Nam truyền thống đã nhường chỗ cho đồ chơi hiện đại chạy bằng pin, bằng điện của nước ngoài. Đáng buồn hơn là nhiều em nhỏ không hiểu tại sao lại có tết Trung thu, không hiểu ý nghĩa "trời tròn đất vuông" của bánh Trung thu, sự tích chú Cuội, chị Hằng... Do đó, để khôi phục được nét đẹp, bản sắc của ngày Tết Trung thu, cha mẹ nên dạy cho con trẻ biết thế nào là Tết Trung thu và trong ngày Tết ấy có những hoạt động nghệ thuật gì...
Các trung tâm văn hóa quận, huyện cũng nên tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc nhân dịp Trung thu cho các cháu như diễn lại các sự tích chú Cuội, chị Hằng, dạy trẻ con tập làm đèn Trung thu, làm mặt nạ, làm bánh dẻo, bánh nướng... Tham gia những trò chơi bổ ích như thế, trẻ sẽ hiểu thêm về những phong tục tập quán, bản sắc của dân tộc.