Kỳ vọng và áp lực

Văn hóa - Ngày đăng : 06:49, 11/09/2011

(HNM) - Hội nghị tổng kết hai năm chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ VH,TT&DL và UB toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (VHNT) khai mạc tại Hà Nội cùng ngày với Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc tại Tuyên Quang (ngày 8-9).


Tại Hà Nội, những người làm công tác văn hóa, VHNT đặt vấn đề: "Mặc dù đã có nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, nhiều giải thưởng nhưng chưa có nhiều tác phẩm, công trình xứng tầm với lịch sử và hiện thực cuộc sống?". Có đại biểu nêu: "20 năm qua, dù kinh tế đất nước, đời sống mọi mặt của người dân có bước phát triển mạnh mẽ song chúng ta không tìm thấy một thần đồng VHNT nào. Đây cũng sẽ là một câu chuyện đặt ra trước thềm Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc"…

Thiết nghĩ, mong đợi tác phẩm đỉnh cao cũng như sự xuất hiện của các thần đồng VHNT là mong ước chính đáng. Song câu chuyện này có hai mặt của nó. Kỳ vọng không đúng, không khéo lại thành ra áp lực! Một ví dụ tiêu biểu là truyền thông hay đặt ra câu hỏi với các đại biểu: "Anh, chị kỳ vọng gì vào Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII này?". Thực tế, hội nghị của những người viết trẻ thế hệ 7X, 8X, 9X này chỉ diễn ra vẻn vẹn trong vài ngày, trong đó phần "hành quân", thủ tục, nghi lễ đã chiếm đến hai phần. Phần chính là thảo luận chỉ gói được trong một ngày. Nhà văn áo lính Nguyễn Xuân Thủy (tác giả tiểu thuyết "Sát thủ online" được chú ý gần đây) cho rằng: "Nói kỳ vọng thì hơi quá. Hội nghị giống như một cuộc điểm danh lực lượng những người viết trẻ trên toàn quốc. Thật khó có thể nói rằng, sau khi đi dự hội nghị này các đại biểu sẽ cho ra những tác phẩm chất lượng cao. Chỉ có thể xem như, đây là một dịp gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt là để cùng nhau nhìn nhận vai trò nhà văn và trách nhiệm công dân của cây bút trẻ đối với đất nước, với xã hội".

Trước ngày khởi động Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc, cũng có nhiều ý kiến cho rằng trong số 113 đại biểu, có quá nhiều cây bút "mới toanh", thậm chí chưa hề có tác phẩm nào, hoặc có tác phẩm mà không mấy được dư luận chú ý. Thực tình, đó là một thông tin không mấy vui. Văn chương cũng có yếu tố "giời cho" của nó. Nghĩa là phải có tài năng. Sự can thiệp chỉ có thể ở việc tạo môi trường cho tài năng ấy nở rộ và nở rộ đến mức nào mà thôi.

Có thể, sẽ có lúc phải "nóng ruột" vì bầu trời VHNT vắng sao, nhưng như thế cũng còn hơn là tạo ra áp lực, hoặc những ảo vọng làm chín ép những quả non.

Người Lái Đò