Tự nhiên hay là diễn ?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:46, 11/09/2011

(HNM) - Truyền hình thực tế (Reality show) mới xuất hiện ở Việt Nam, ít nhiều tạo dư vị mới mẻ trong thực đơn giải trí. Tuy nhiên, tính thực tế trong hầu hết chương trình vẫn khiến công chúng phải đặt câu hỏi, liệu rằng đó có phải là


Từ chuyện xứ người

Tính thời sự nóng hổi và những tình huống, phản ứng, cảm xúc chân thật khiến cho khán giả truyền hình như đang vào cuộc với các nhân vật trong chương trình. Chẳng thế mà từ khi ra đời, truyền hình thực tế (THTT) đã làm mưa làm gió trên thế giới và có rất nhiều ngôi sao ra đời từ những show THTT như Paris Hilton với show "Simply life", Kim Kardashian với "Keeping Up With The Kardashians", Heidi Montag với "The Hills"… Tuy vậy, một số chương trình THTT ở nước ngoài cũng đang bị công chúng cho rằng… không có tính thực tế hay nói cách khác, núp dưới hai chữ "thực tế" là những kịch bản được dàn dựng sẵn.


Một cảnh trong chương trình “Con đã lớn khôn”.

Rất ít "sao" đủ dũng cảm để hé lộ sự thật những chuyện hậu trường sản xuất chương trình THTT như Heidi Montag, người đã thú nhận rằng đám cưới của cô trong tập cuối của chương trình "The Hills" là một kịch bản dựng sẵn và điều đó tác động không nhỏ tới hạnh phúc của hai người. Hay như mới đây, "Susan Boyle" của Hàn Quốc sau khi vẽ nên câu chuyện cổ tích về anh chàng bán sing-gum làm cả thế giới cảm động cũng bị phát giác từng theo học thanh nhạc tại một trường trung cấp trước khi đến với cuộc thi tìm kiếm tài năng của Hàn Quốc…

THTT là hệ quả sự phát triển của truyền thông trước sự đòi hỏi của người xem muốn có được cảm giác chân thật và sống động khi tiếp nhận chương trình. Nhu cầu giải trí mới của công chúng đã tạo áp lực lớn lên những người làm truyền hình, lớn đến nỗi mà một số nhà sản xuất đã cố tình tạo ra những tình huống giả để tăng tính hấp dẫn.

Đến chuyện ở ta

Tại Việt Nam, nhiều chương trình THTT mang nét đặc trưng của dạng phóng sự truyền hình hoặc một chương trình tường thuật trực tiếp. Tính thực tế vì thế mà giảm sút khá nhiều so với yêu cầu về tính nguyên bản của chương trình (mua format). Trong số chương trình THTT được biết đến nhiều ở Việt Nam, có thể kể đến "Love bus - Hành trình kết nối những trái tim", "Hành trình 2468 km", "BeU with Honda", "Cầu vồng", "Vượt lên chính mình", "Như chưa hề có cuộc chia ly", "Ước mơ của tôi", "Bước nhảy Hoàn vũ", "Vietnam Idol", "Vietnam Next top Model", "Con đã lớn khôn"... Hiện nay, ước tính trung bình mỗi tuần có khoảng 3 - 4 chương trình THTT được phát trên sóng truyền hình.

Nhiều là vậy, nhưng không phải chương trình nào cũng được công chúng thừa nhận về tính khách quan, chân thực. Nhà sản xuất cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc "Vietnam Idol" từng bị vố đau khi có một thí sinh đã tưởng tượng ra câu chuyện mình trưởng thành trong một…ngôi chùa, nhưng khi ê kíp sản xuất tìm đến ngôi chùa đó để ghi hình thì mới phát giác ra đó là sự bịa đặt. Khán giả, vì không kiểm chứng được tính "thực tế" của chương trình "Vietnam Idol 2010" đã ngơ ngác trước điều mà họ cho là "sự cố", khi thí sinh giỏi giang như Uyên Linh suýt bị loại khỏi cuộc chơi và Đăng Khoa đã phải xin rút lui để "cứu thua" cho cô gái này. Dư luận hoài nghi rằng BTC đã "nhúng tay" dàn xếp tình huống này để tạo thêm sức nóng cho Vietnam Idol (?). Chương trình "Bước nhảy Hoàn vũ" cũng có vết gợn trong khán giả. Theo đúng format gốc - bản quyền của "Dacing with the stars"- thì đó là một chương trình THTT, nhưng khi vào Việt Nam, tính thực tế đã giảm đi nhiều. Có lẽ vì vậy mà khi "Bước nhảy Hoàn vũ 2011" gặp sự cố, đặc biệt là cách cho điểm thiếu thống nhất của BGK, khiến công chúng đã nghĩ rằng đó là "chiêu" PR của những người tổ chức chương trình.

Nếu nói về tính thực tế rõ ràng trong chương trình truyền hình, chắc phải kể đến Love bus (Hành trình kết nối những trái tim), "BeU with Honda", "Hành trình 2468 km" và gần đây là "Con đã lớn khôn". "BeU with Honda" và "Hành trình 2468 km" quá đơn giản về ý tưởng, vì thế đã mất dần sức hút. "Love bus - Hành trình kết nối những trái tim" được xây dựng với chủ đề về tình yêu lãng mạn, ngọt ngào nên vẫn giữ được thương hiệu sau 2 năm phát sóng. "Con đã lớn khôn" mua format từ chương trình Hajimete no Otsukai của hãng Nippon Television Nhật Bản vừa mới phát sóng trên kênh HTV 7 cuối tháng 7-2011 có vẻ như đã đánh trúng tâm lý của các bậc phụ huynh khi khai thác đề tài về tính tự lập của trẻ nhỏ từ 2,5 đến 5 tuổi. Đề tài mới lạ, hình thức ghi hình bí mật (ê kíp thực hiện phải đóng giả thành xe ôm, người quét rác… để quay lén các bé), "Con đã lớn khôn" đã tạo một "làn gió mới" trong các gameshow. Có lẽ vì thế mà những người thực hiện chương trình đã mở rộng phạm vi phát sóng trên kênh Hà Nội 1 vào 17h50 chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ ngày 28-8 và trên một số kênh truyền hình địa phương khác như đài Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ… Tất nhiên, cái gì mới cũng hấp dẫn và thời gian sẽ là thước đo cho chất lượng và tính thực tế của chương trình.

Mô hình THTT đang được các đài truyền hình thực hiện và coi đó như một giải pháp để kéo công chúng đến với mình. Điều cần nhất đối với dạng chương trình này là sự chân thật. Giản dị vậy thôi nhưng đôi khi lại khó thực hiện trọn vẹn. Do kinh phí eo hẹp, do trình độ, hay do chúng ta chưa thật sự tôn trọng khán giả?

Hạnh Trang