Vĩnh biệt một con người tài đức vẹn toàn
Chính trị - Ngày đăng : 06:36, 11/09/2011
Trong dòng người đến viếng, ông Đoàn Ngọc Tú (85 tuổi, quê ở xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ngồi lặng lẽ ở góc phòng. Ông đã đi xe ôm từ nhà riêng ở phường Bến Nghé, quận 1 từ lúc chưa đến 7h sáng để đến tiễn biệt người đồng hương, người đã dìu dắt ông đi theo cách mạng. Cũng như với nhiều cán bộ cách mạng lão thành khác đến tiễn biệt người đồng chí, đồng đội của mình, trong tim ông Tú, đồng chí Võ Chí Công không chỉ là một người cộng sản chân chính mà còn như một người chú, người anh, người bạn lớn, sống chân thành và rất có tình.
Từng có thời kỳ công tác và chiến đấu cùng đồng chí Võ Chí Công, ông Nguyễn Quốc Sinh, nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ, xúc động nói: "Bác Công nay đã trăm tuổi. Bác ra đi là tổn thất lớn cho Đảng và Nhà nước ta. Bác là người tốt, luôn luôn căn dặn con cháu, cán bộ chiến sĩ lo cho dân cho nước. Bác là nhà lãnh đạo xuất sắc, giản dị, khiêm tốn".
Là người may mắn đã có thời gian làm việc cùng đồng chí Võ Chí Công ở Bộ Tư lệnh Quân khu V, ông Nguyễn Văn Thịnh (83 tuổi, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh tình báo và sĩ quan tình báo Liên khu III tại TP Hồ Chí Minh, bày tỏ tiếc nuối, rằng dù khoảng thời gian làm việc cũng như số lần được gặp đồng chí Võ Chí Công không nhiều nhưng kỷ niệm nhớ nhất đối với ông Thịnh về đồng chí Võ Chí Công vẫn là "một con người có tài, đức thực sự". Ông Thịnh nghẹn ngào nói: "Cụ là người tốt, khiêm nhường nhưng lại rất dân chủ với anh em. Cụ đặc biệt ưu ái những anh em bộ đội ở miền Bắc vào chiến trường Khu V hoạt động".
Còn với ông Võ Duy Đề (sinh năm 1926 ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là người được đồng chí Võ Chí Công trực tiếp dìu dắt, giác ngộ cách mạng, nên nước mắt liên tục chảy trên gương mặt khi nhắc đến người lãnh đạo đáng kính đã khuất. Ông Đề kể, đầu những năm 1930, Ðảng bộ Ðảng Cộng sản tỉnh Quảng Nam ra đời, đồng chí Võ Chí Công là một trong những người đầu tiên đi truyền bá và phát động quần chúng tham gia cách mạng, dần dần trở thành cán bộ cốt cán của tỉnh, tham gia xây dựng tổ chức đảng từ xã, phủ, huyện đến tỉnh. Nhà có cơ sở ép dầu lạc nên ông đã lợi dụng việc đi lại thu mua lạc để nắm bắt tình hình, gây dựng cơ sở cách mạng. Lúc đó đồng chí đã là Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Năm 1939, trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, nhiều cơ sở cách mạng ở Quảng Nam bị vỡ, nhiều cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam bị bắt hết nên Huyện ủy Tam Kỳ đã chủ động lên làm nhiệm vụ của Tỉnh ủy. Năm 1940 Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam được thành lập, đồng chí Võ Chí Công giữ trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy. Năm 1940, đồng chí trực tiếp về huyện Thăng Bình xây dựng Chi bộ Quảng Đông. Ông Đề được đồng chí Võ Chí Công chỉ dẫn từng đường đi nước bước, giải thích về phong trào cách mạng. Năm 1942, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, các cơ sở cách mạng liên tục bị vỡ, nhiều cán bộ Tỉnh ủy bị bắt, trong đó có đồng chí Võ Chí Công và vợ là bà Phan Thị Nể.
Đồng chí Võ Chí Công bị đi đày ở Buôn Mê Thuột. Ở trong tù nhưng đồng chí vẫn luôn kiên định tinh thần cách mạng và vạch kế hoạch hoạt động. Năm 1944, khi một số đồng chí được Pháp đưa đi an trí, họ bàn kế hoạch khi về qua Quảng Nam sẽ nhảy tàu, trở về quê hương hoạt động. Đồng chí Võ Chí Công khi ấy vẫn ở trong tù đã giới thiệu những cơ sở tin cậy để móc nối hoạt động trở lại. "Tôi lúc ấy được giới thiệu với đồng chí Nguyễn Tiến Chế (khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam) để hoạt động trở lại. Nhờ sự gây dựng lại này mà tôi vững tin vào sự thành công của cách mạng để tiếp tục hoạt động". Ông Đề nói, ông còn ghi nhớ mãi lời căn dặn của đồng chí Võ Chí Công, mà trong cuộc sống đối với ông luôn như một người anh thân thiết: "Việc gì Đảng giao thì phải làm. Các đồng chí không được câu nệ".
Như thêm lời khẳng định về một nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn, ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khẳng định: "Bác Võ Chí Công là người con ưu tú của quê hương Quảng Nam. Bác thường căn dặn thế hệ lãnh đạo chúng tôi phải rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, toàn tâm toàn ý để quyết tâm lãnh đạo xây dựng, phát triển Quảng Nam trở thành một tỉnh khá ở miền Trung và Tây Nguyên. Những lời căn dặn của bác là những tình cảm hết sức quý giá đối với quê hương, chúng tôi ghi tâm mãi".
Ngót một thế kỷ cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc; tận tụy, không sợ hy sinh gian khổ vì sự nghiệp cách mạng, hết lòng vì sự nghiệp phát triển của đất nước. Bởi thế nên sự ra đi của đồng chí đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong mọi tầng lớp nhân dân.