Tiết lộ cá tính nghệ sĩ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 10/09/2011
Ở đây trưng bày hơn 60 tác phẩm từ sưu tập Dogma cùng 7 tác phẩm đoạt Giải thưởng Dogma toàn quốc đầu tiên về chân dung tự họa công bố hồi tháng 7 vừa qua. Đó không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn tiết lộ nhiều điều về phong cách, cá tính của các họa sĩ Việt Nam.
Tranh tự họa của tác giả Nguyễn Thùy Dương. |
Đã có nhiều triển lãm tranh chân dung được thực hiện, trưng bày tại Việt Nam, nhưng có lẽ "Chân dung - Phía sau tấm gương" là một triển lãm đặc biệt. Tới triển lãm, người xem được dịp gặp rất nhiều họa sĩ Việt Nam, từ những vị có tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Chóe, Thiết Cương, Trịnh Cung… đến những họa sĩ trẻ có phong cách nhưng chưa thực sự thành danh trong bộ sưu tập Dogma.
Chủ ý tưởng là Dominic Scriven người Anh. Ông tới Hà Nội năm 1991 để học tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, rồi nhanh chóng bị hội họa Việt lôi cuốn. Ông tiếp cận dần và nhận ra các họa sĩ Việt có phong cách và cá tính đa dạng. Ông nảy ra ý định sưu tầm tranh chân dung tự họa của các họa sĩ. May mắn gặp cha con dịch giả Dương Tường - những người rất am hiểu về hội họa Việt, Dominic đến gần hơn với giới mỹ thuật. Ông lần mần tìm mua và đặt hàng họa sĩ vẽ tranh Dogma gần 20 năm qua. Trong triển lãm "Chân dung - Phía sau tấm gương", ông mang một phần nhỏ trong bộ sưu tập lý thú của mình tới trưng bày, giúp người xem được "gặp gỡ" với nhiều gương mặt họa sĩ, khám phá những khoảnh khắc tự bộc lộ bản thân của họ.
Không dừng lại ở việc sưu tầm, Dominic đã khởi xướng, tài trợ cho Giải thưởng Dogma 2011 dành cho chân dung tự họa. Phát động vào tháng 4, đến tháng 7, Giải thưởng Dogma đã nhận được 230 tác phẩm dự thi. Ban tổ chức đã chọn và trao giải chính thức cho bức chân dung tự họa của họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Cường (Hà Nội). Cùng với 6 bức khác được giải khuyến khích, Dominic đã mua lại hết, đưa vào bộ sưu tập chân dung tự họa của mình và trưng bày tại đây. Ban đầu, những người khởi xướng Giải thưởng Dogma dự kiến tổ chức 2 năm một lần, nhưng nhận thấy sự hào hứng tham gia của đông đảo họa sĩ, chất lượng tác phẩm tốt, họ quyết định Dogma sẽ diễn ra thường niên, tạo sân chơi lý thú cho các họa sĩ, đặc biệt là người trẻ.
Phần lớn các bức chân dung tự họa tại triển lãm được thể hiện theo phương thức truyền thống là sơn dầu trên vải bố với những phong cách khác nhau. Một số bức chân dung được thể hiện trên chất liệu khác như khắc gỗ, tranh cắt dán trên bản in, tranh màu nước trên giấy dó… Richard San Marzano - người giám tuyển tranh đánh giá đây là một triển lãm lý thú, "nó gợi mở cho ta những hiểu biết sâu sắc và những phát giác được lưu lại vĩnh viễn trong khoảnh khắc tự bộc lộ bản thân của người nghệ sĩ".
Trong quá trình sáng tác nghệ thuật, người họa sĩ bằng phong cách, tư duy của mình vẽ nên bức tranh về đời sống. Tranh tự họa còn đặc biệt hơn, nó tiết lộ sự thật về người nghệ sĩ và nói như bà chủ của Quỳnh Gallery là "thắp sáng phần nào tổng thể nhân loài". Triển lãm chân dung này phần nào khắc họa gương mặt, cá tính hội họa Việt trong 20 năm qua.