Bài học đau lòng về trách nhiệm
Đời sống - Ngày đăng : 06:25, 10/09/2011
Báo động tội phạm vị thành niên
Vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích (ở xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) khiến không ít người ớn lạnh, ghê sợ bởi mức độ nghiêm trọng của vụ án và kẻ phạm tội còn quá trẻ, chưa bước qua tuổi vị thành niên. Từ vụ án này, nhiều người càng thêm giật mình khi trong thời gian vừa qua số vụ án do tội phạm vị thành niên gây nên không chỉ nhiều hơn về số lượng mà còn tăng cả về tính chất nghiêm trọng. Từ giết người, buôn bán người, cướp tài sản, lừa đảo, buôn bán ma túy... tất cả đều có bóng dáng của những kẻ tội phạm lứa tuổi vị thành niên.
Có thể nhắc lại vụ án Đào Thu Hương (My "sói"). Bị truy tố về tội hiếp dâm và cướp tài sản, 5/8 bị cáo của vụ án đang trong lứa tuổi vị thành niên, riêng My "sói" khi bị bắt mới 14 tuổi. Tuổi thì ít nhưng hành vi phạm tội của các bị cáo lại đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 4 ngày, My "sói" cùng đồng bọn đã gây ra 5 vụ cướp tài sản, tổng trị giá hơn 30 triệu đồng, 2 vụ hiếp dâm, 1 vụ hiếp dâm trẻ em. Hay tại một vụ án khác, để có số tiền hơn 1 triệu đồng trả nợ do chơi bi a và ghi lô, đề, Lê Bảo Trọng (ở Sóc Sơn, Hà Nội) mới 16 tuổi đã xuống tay đâm chết người mà gã gọi bằng ông trẻ. Và còn rất nhiều vụ án khác mà kẻ phạm tội đều trong lứa tuổi 15, 17.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an), thời gian gần đây, số vụ án mạng do trẻ vị thành niên thực hiện đang có chiều hướng gia tăng với hàng chục nghìn vụ mỗi năm. Tội phạm thường ở độ tuổi từ 16 đến 18 (60%). Còn tại Hà Nội, theo thống kê của Công an TP, trong năm 2010, lực lượng công an đã điều tra, khám phá 222 vụ án gồm 348 đối tượng phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên. Trẻ phạm tội thường rơi vào trường hợp mồ côi lang thang, cha mẹ ly dị, bỏ học sớm hay bị kẻ xấu xúi giục.
Vụ thảm sát tại hiệu vàng Ngọc Bích (Bắc Giang) là lời cảnh tỉnh đối với tình trạng gia tăng trẻ vị thành niên phạm tội. Ảnh: Dương Hiệp |
Hãy lo vun gốc
Trở lại với vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang. Sau khi vụ việc xảy ra, dư luận rất bất bình trước việc Lê Văn Luyện chỉ phải đối mặt với bản án tối đa là 18 năm tù và nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa Điều 74 Bộ luật Hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, theo hướng phải áp dụng hình phạt tử hình đối với những trường hợp phạm tội dã man, tàn độc. Cũng có ý kiến cho rằng luật pháp là công bằng, nghiêm minh và trước pháp luật mọi người đều có quyền bình đẳng, vì vậy việc áp dụng điều 74 Bộ luật Hình sự với Luyện là cần thiết.
Trao đổi với PV Hànộimới về vấn đề này, luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Việc sửa Bộ luật Hình sự cần phải rất thận trọng trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, không thể vì một trường hợp mang tính cá biệt mà sửa luật để áp dụng cho tất cả các trường hợp sau đó. Nếu chúng ta vội vàng sửa luật thì vô hình trung đã làm cho tất cả trẻ vị thành niên phạm tội có thể phải chịu mức chế tài cao hơn so với hành vi chúng gây ra. Hơn nữa, trình tự sửa đổi luật cũng rất nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của Quốc hội nên không thể xã hội cứ có vấn đề gì chưa phù hợp là Quốc hội lại họp để sửa ngay được. Để hạn chế tội phạm thì cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn gốc tội phạm chứ không phải chỉ đơn thuần là tăng hình phạt. Chỉ khi nào các nguồn gốc tội phạm được loại bỏ hoặc giảm bớt thì khi đó tình hình tội phạm mới được đẩy lùi. Do vậy, làm luật (bao gồm cả sửa luật) là một việc không thể tùy tiện.
Lâu nay, khi nói tới giáo dục trẻ em, người ta vẫn dùng cụm từ trách nhiệm của "gia đình, nhà trường và xã hội". Trước dấu hiệu gia tăng tội phạm vị thành niên, có lẽ thay vì những bức xúc đòi sửa luật để tăng tính răn đe về tội ác đặc biệt nghiêm trọng như của Lê Văn Luyện, chúng ta nên cùng nhau nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục trẻ hiện nay. Sự thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái từ mỗi gia đình cũng có thể dẫn tới hành vi ứng xử bạo lực của trẻ vị thành niên. Rồi trách nhiệm của hệ thống giáo dục ra sao khi nhiều em vừa mới 14-15 tuổi đã không còn cắp sách tới trường. Liệu chúng ta đã làm tròn trách nhiệm chưa khi những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" vì nhiều lý do không thể tiếp tục đến trường đã bị quăng vào bụi đời? Con người là tài sản vốn quý, hãy lo "vun gốc" ngay từ khi còn nhỏ!