Mạnh tay gỡ ùn tắc giao thông

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 10/09/2011

(HNM) - Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT ngày 8-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh đề nghị xem xét cơ chế, chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; thực hiện một số cơ chế đặc thù để triển khai các dự án, giải pháp, biện pháp cấp bách chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông.

Theo báo cáo tại cuộc họp, từ đầu năm đến nay, ở Hà Nội xe máy tăng 155.000 chiếc, ô tô tăng 28.000 chiếc nhưng diện tích đường không tăng nhiều. Và vẫn một hệ quả tất yếu là tình trạng ùn tắc xảy ra triền miên bao nhiêu năm nay mà chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Người đứng đầu UBND TP Hà Nội khẳng định: Việc giảm các phương tiện cá nhân, tăng hiệu suất sử dụng các phương tiện công cộng tưởng như rất đơn giản nhưng thực hiện rất khó.

Chừng nửa tháng trước, dư luận cũng được dịp nóng bởi một đề xuất không chính thức cho rằng Hà Nội nên "cấm xe máy vào giờ cao điểm". Chưa bàn đến tính khả dụng của ý tưởng này. Nhưng xem ra việc áp dụng một biện pháp mạnh vào lúc này cũng là điều cần thiết. Dĩ nhiên khó có thể giải quyết vấn đề trong một sớm một chiều và đây cũng không phải trách nhiệm chỉ riêng của ngành giao thông. Nhưng không nói thì nhiều người cũng thấy việc cần thiết phải hạn chế lượng phương tiện cá nhân vào nội đô. Vấn đề chỉ là hạn chế như thế nào cho hợp lý.

Bên cạnh những giải pháp cơ bản lâu dài như phát triển hạ tầng, di dời các công trình bệnh viện, trường học, khu công nghiệp ra khỏi trung tâm thành phố nhằm giảm lưu lượng phương tiện, mật độ dân cư khu vực nội đô, thì việc cấp bách trước mắt vẫn là "kiểm soát lượng xe cá nhân", "tăng phương tiện công cộng" và xóa bỏ lập tức các điểm giao cắt xung đột.

Riêng về kiểm soát phương tiện cá nhân, giảm thiểu lượng xe lưu thông trên đường phố, nếu không mạnh dạn sẽ khó có thể thực hiện hiệu quả. Cần thiết thì "cấm hàng loạt" cũng phải làm. Như chúng ta đã có bài học kinh nghiệm từ việc quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, khi cấm hợp lý sẽ được người dân chấp nhận.Trước mắt, nên tổ chức cấm phương tiện lưu thông ở một số tuyến ở trung tâm nhằm hạn chế "hút" phương tiện vào nội đô (có thể chỉ cấm ô tô hoặc chỉ cấm xe máy, cũng có thể cấm cả hai); cấm tuyệt đối việc tổ chức bãi trông giữ xe (cả ô tô và xe máy) trên hè, phố để trả không gian lưu thông lại cho người dân; cấm dừng đỗ xe quá 5 phút trên các tuyến phố chính, huyết mạch... Ngoài ra, cần có cơ chế buộc các cơ quan, công ty phải tổ chức chỗ đỗ xe cho nhân viên và khách giao dịch… Tức là chính quyền không hạn chế quyền sở hữu phương tiện cũng như các quyền dân sự khác của công dân, mà thay vào đó áp dụng những biện pháp "được pháp luật cho phép" để người dân tự vận động với những quy định đó theo nhu cầu và khả năng của mình. Chẳng hạn với ô tô, từ chỗ thường xuyên gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đỗ sẽ khiến chủ phương tiện phải lựa chọn đi xe hay không. Đây hoàn toàn là việc làm được nếu chính quyền quyết tâm, dần dần làm thay đổi thói quen của người dân. Sẽ vừa làm vừa điều chỉnh chứ không thể ngồi chờ bởi một khi còn thụ động chờ thì giao thông còn rối.

Nữ Quỳnh