Bài 2: Không quyết liệt, không xong
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:45, 10/09/2011
Thế nhưng, khi đã nhận mặt bằng "sạch", các đơn vị lại kêu thiếu vốn do cắt giảm đầu tư công. Kết quả là tiến độ thi công ì ạch, nay làm mai nghỉ và đoạn đường vỏn vẹn hơn 3 cây số trong 8 năm vẫn chưa hoàn thiện.
Giải phóng mặt bằng: "Bia đỡ" cho mọi yếu kém (?)
Tại hội nghị triển khai công tác GPMB của Hà Nội 6 tháng cuối năm 2011, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng ban GPMB huyện Từ Liêm nêu bài học kinh nghiệm về GPMB tại quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn). Ông Thành cho rằng: "Thực tế là sau khi GPMB, dự án thi công rất chậm. Khi GPMB, lãnh đạo huyện hứa với dân, cố gắng GPMB sớm để thi công nâng cấp quốc lộ 32 trở thành con đường đẹp nhưng từ đó đến nay vẫn chưa làm xong. Sau nhiều lần trễ hẹn, người dân không tin tưởng, gây khó khăn cho công tác GPMB ở những dự án tiếp theo".
Câu nói ngắn gọn của ông Thành phần nào cho thấy, công tác GPMB để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 tại huyện Từ Liêm không phải là rào cản lớn làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Theo ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, để thu hồi hơn 210.000m2 đất phục vụ dự án mở rộng quốc lộ 32, Từ Liêm phải phê duyệt 1.356 phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân ở 4 xã, thị trấn. Chỉ thời gian đầu, công tác GPMB gặp khó khăn vì người dân có khiếu nại về chính sách hỗ trợ đền bù. Sau khi được tuyên truyền vận động và thành phố ban hành cơ chế, chính sách về chế độ hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, người dân rất đồng thuận và nhanh chóng bàn giao mặt bằng. Hiếm có địa phương nào cùng lúc 400 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, chưa nhận đất tái định cư mà lại tự nguyện bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư và nhà thầu thi công cho kịp tiến độ. Tháng 7-2010, về cơ bản UBND huyện Từ Liêm đã hoàn tất công tác GPMB phục vụ dự án mở rộng quốc lộ 32.
Quốc lộ 32 tiếp tục được hoàn thiện. Ảnh: Nhật Nam |
Để kiểm chứng rõ hơn, phóng viên Hànộimới đã xuống khu vực tái định cư của dự án quốc lộ 32 là Phú Diễn và Xuân Phương. Mặc dù nhận đất tái định cư sau khi bàn giao mặt bằng đến 5-7 tháng, các hộ dân tại đây đã xây xong nhà cửa và ăn ở ổn định. Trong khi đó, tuyến quốc lộ 32 vẫn thi công dở dang và chưa biết khi nào mới hoàn tất.
Thiếu "khuy" nên chẳng thành "áo"
Sau rất nhiều lần lỗi hẹn về thời gian thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến quốc lộ 32, chủ đầu tư và các nhà thầu lại bào chữa nguyên nhân chậm trễ do thiếu vốn (không phải do GPMB như trước đây). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 được thực hiện thông qua nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ và do Bộ GTVT quản lý. Trước đây, dự án do Ban QLDA 5 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, còn UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm GPMB. Vì tiến độ quá chậm, Chính phủ có văn bản chuyển dự án về cho TP Hà Nội thực hiện để đẩy nhanh tiến độ. Về nguyên tắc, Bộ GTVT vẫn là chủ đầu tư, tiếp tục bố trí đủ vốn trái phiếu chính phủ cho các hạng mục xây lắp của dự án và 50% vốn phục vụ công tác GPMB. Ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 11/NQ-CP về cắt giảm đầu tư công, Bộ GTVT đã có công văn số 39/CV-GTVT, ngày 24-2-2011 đưa dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn) vào danh mục các dự án tạm hoãn, giãn tiến độ. Theo đó, Bộ GTVT quyết định cắt giảm hơn 70 tỷ đồng vốn dành cho dự án này. Đại diện Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, mặc dù đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu tăng thêm phương tiện, máy móc, công nhân làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vấn đề khó ở chỗ "muốn nhà thầu làm thì phải có tiền". Chỉ riêng việc hoàn thiện các hạng mục xây lắp, thi công tuyến đường cần khoảng 200 tỷ đồng, trong khi đó Bộ GTVT mới chỉ cấp cho chủ đầu tư 26 tỷ đồng để chi trả cho các nhà thầu. Trước thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT dự thảo văn bản để đề nghị Bộ GTVT bố trí đủ vốn cho dự án. Tuy nhiên vấn đề khó khăn là thỏa thuận giữa UBND thành phố và Bộ GTVT về phương thức chuyển giao cấp vốn đầu tư thực hiện như thế nào. Trong thời gian chờ đợi hai bên đi đến thống nhất, Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính đề xuất phương án tạm ứng kinh phí bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã cắt giảm, hoãn tiến độ ở một số dự án với số tiền khoảng 800 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc thông xe quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn), thành phố sẽ trích một phần vốn ưu tiên cho dự án này. Điều đó thể hiện sự quan tâm, quyết liệt của lãnh đạo thành phố nhằm giải quyết dứt điểm những bức xúc tồn tại bấy lâu nay xảy ra tại dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 32.
Lời kết
Quốc lộ 32 phải sớm hoàn thiện và thông xe kỹ thuật, nhằm giải quyết nỗi bức xúc dân sinh, đó là trách nhiệm của các nhà quản lý. Người dân không thể hiểu chân tơ kẽ tóc dự án này vướng mắc do đâu. Trong quá trình tìm hiểu viết bài, chúng tôi đồng cảm và chia sẻ với chủ đầu tư, các nhà thầu có khó khăn về vốn, về GPMB nhưng đây cũng là tình trạng chung của tất cả các dự án chứ không riêng gì dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 32. Một chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường phân tích: Dự án nào cũng gặp khó khăn trở ngại nhưng vấn đề ở chỗ giải quyết nó như thế nào. Dự án nâng cấp quốc lộ 32 là dự án lớn, thi công trong nhiều năm, gây nhiều bức xúc. Điều này không chỉ thành phố Hà Nội, Bộ GTVT mà Chính phủ cũng rất quan tâm. Về cơ bản, tuyến đường này đã tương đối hoàn tất, vậy thì không có lý do gì chúng ta không ưu tiên tập trung đầu tư sắm nốt cái "khuy" để hoàn thiện "cái áo". Thay vì đầu tư dàn trải, chúng ta nên tập trung vào những dự án đang gây nhiều bức xúc. Hơn thế nữa, việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cũng là vấn đề đáng bàn. Đơn vị nào đảm nhiệm thi công phải đáp ứng đủ vốn, phương tiện, máy móc và nhân lực, không đủ điều kiện chúng ta phải kiên quyết loại thầu. Ở dự án này, khi người ta kêu chậm do GPMB, khi có mặt bằng lại than do vướng đường dây điện 6KV và 22KV, chẳng còn vướng mắc gì thì lại là điệp khúc "thiếu vốn"... Nếu dự án làm đường nào cũng như quốc lộ 32 thì bao giờ bộ mặt giao thông Thủ đô mới sáng sủa lên được?
Người ta vẫn có câu "Bất quá tam ba bận", đằng này đã 4 lần lỗi hẹn mà chưa biết đến ngày nào dự án mới xong. Nếu không có cơ chế ấn định thời gian rõ ràng, xử lý phạt nặng, thậm chí loại bỏ chủ đầu tư và các đơn vị thi công không hoàn thành đúng tiến độ đề ra thì câu chuyện chậm trễ như ở đường 32 còn chưa có hồi kết và sẽ còn xảy ra ở các dự án khác.