Những khoảng trống cần được lấp đầy
Xe++ - Ngày đăng : 06:45, 09/09/2011
Loay hoay vượt khó
Sau nhiều thăng trầm, đến nay Ban quản lý HHTP đã cấp chứng nhận đầu tư cho 53 dự án với tổng vốn gần 22 nghìn tỷ đồng trên diện tích 219ha, tức là mới lấp đầy 15% diện tích được quy hoạch. Hết năm 2010, đã có 29 dự án khởi công, trong đó 17 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với khoảng trên 4.100 người làm việc. Tổng doanh thu của HHTP trong năm 2010 đạt 1.200 tỷ đồng.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Noble, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: B.H
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của HHTP thời gian qua là tập trung hỗ trợ khởi tạo doanh nghiệp cho các nhóm nghiên cứu có triển vọng. Thành lập từ năm 2007, đến nay Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (HBI) đã ươm tạo được 28 nhóm với nhiều sản phẩm công nghệ đã có chỗ đứng trên thị trường. Điển hình như Công ty TNHH Trí tuệ nhân tạo chỉ sau 3 năm khởi nghiệp tại HBI đã thành công với sản phẩm nổi bật là mạng đào tạo trực tuyến, thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập mỗi ngày, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Hay Công ty cổ phần Xanh cũng đã nghiên cứu thành công các chế phẩm xử lý ô nhiễm nước sông hồ như LTH 68, LTH 79, LTH 100, LTH 200. Các chuyên gia ở đây cũng đi đầu trong ứng dụng thành công công nghệ xử lý nước thải qua các trạm bơm, có thể xử lý được trung bình từ 70-140m3 nước/giờ. Hay sản phẩm từ huyết thanh ngựa, sản phẩm từ hợp chất thiên nhiên cũng đang được đánh giá cao của các nhóm nghiên cứu đến từ Viện KHCN Việt Nam. Gần đây nhất là thành công của nhóm nghiên cứu tế bào gốc khi đã tạo ra những tế bào gốc đầu tiên của chuột, làm cơ sở để hợp tác với các cơ sở y tế trong nước và Pháp.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) kiêm Trưởng ban quản lý HHTP Nguyễn Văn Lạng chia sẻ, với tổng diện tích 1.586ha, HHTP đang dần hiện lên hình ảnh của một thành phố tri thức. Ở đó sẽ có hàng nghìn nhà khoa học, hàng trăm nghìn sinh viên, nhiều trường ĐH cùng nhiều nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ cao, như: điện tử, bán dẫn, truyền thông, kỹ thuật số, công nghệ sinh học. Dự kiến, đến năm 2020, tổng số người sinh sống và làm việc tại HHTP là khoảng 230.000. Đó sẽ là một thành phố nằm trong chuỗi 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên còn là chặng đường dài.
Vướng ở đâu?
Một điều dễ nhận thấy là được khoác áo khu công nghệ cao nhưng HHTP đến nay vẫn có điều gì đó chưa hấp dẫn nhà đầu tư lớn. Hiện nay các dự án vẫn tập trung vào sản xuất và kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin, sinh y học, điện tử, tự động hóa mà chưa có dự án sản xuất công nghệ cao có quy mô lớn đăng ký tại đây. Không ít dự án quá thời hạn triển khai song không được thực hiện dẫn đến phải thu hồi giấy phép đầu tư.
Tìm lời giải cho thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng khẳng định, HHTP chưa đạt yêu cầu do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể là vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, thu hút đầu tư và triển khai các dự án còn nhiều bất cập... Bên cạnh đó, bộ máy quản lý của HHTP còn thiếu so với thực tế đòi hỏi; chưa có chính sách thu hút người làm việc cho Ban quản lý. Một số cơ chế chính sách về công nghệ cao chưa có hướng dẫn cụ thể nên rất khó áp dụng... Để có những sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam, chúng ta cần phải nắm chắc công nghệ nguồn - điều mà Việt Nam rất thiếu và yếu. Thực tế cho thấy, các khu công nghệ cao nếu thực sự không chú trọng đến ươm tạo doanh nghiệp KHCN, nghiên cứu - triển khai (R&D) thì không khác các khu công nghiệp và bản chất chỉ là cho thuê đất và nhân công giá rẻ.
Trong buổi làm việc với Ban quản lý HHTP vừa qua, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng nhìn nhận những khó khăn trong quá trình phát triển của đơn vị này. Bộ KHCN sẽ nhanh chóng báo cáo với Chính phủ về tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời làm việc với UBND TP Hà Nội, đề nghị thành phố kết hợp với Bộ phấn đấu đạt mục tiêu tới năm 2012 sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Mặt khác, Bộ sẽ có chế độ ưu đãi đối với người làm việc, xây dựng cơ chế chính sách cho các nhà khoa học làm việc tại HHTP. Mục tiêu trước mắt và lâu dài là ở đây phải tạo được những công nghệ mũi nhọn có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, khu R&D sẽ phải sớm có những đầu tư thích đáng. Đây chính là yếu tố để Hòa Lạc trở thành điểm sáng cho các khu công nghệ trong cả nước.
Thời gian tới, Bộ KHCN sẽ cho thành lập ban KHCN tại HHTP để định hướng về chuyên môn. Bên cạnh đó, các cơ chế ưu đãi đặc thù như xây dựng chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi trên thế giới về đây làm việc, chính sách đãi ngộ, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các chuyên gia về công nghệ cao mà Hòa Lạc cần, cơ sở dữ liệu công nghệ tại các trường ĐH, Viện nghiên cứu để có được công nghệ nguồn... cho khu công nghệ cao nói chung và HHTP nói riêng cũng sẽ được Bộ soạn thảo và trình Thủ tướng.
Có thể nói, sự phát triển chậm chạp của HHTP thời gian qua đã đến lúc cần khép lại. Việc chỉ ra được những hạn chế trong quá trình phát triển ở đây không chỉ có ý nghĩa với riêng đơn vị này mà còn là chìa khóa để giải nhiều bài toán cho KHCN Việt Nam thời gian tới.