Teo tóp dần đất nông nghiệp tại làng cổ Đường Lâm
Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 09/09/2011
Theo những bậc cao niên ở xã Đường Lâm, tình trạng nhiều người ở các địa phương khác, nhất là khu vực nội thành Hà Nội về đây mua đất nông nghiệp làm "sinh phần" xảy ra cách đây đã 6-7 năm. Thời điểm cao trào nhất là năm 2006, 2007. Các cụ già trong làng Mông Phụ lý giải, nguyên nhân khiến thiên hạ thời gian qua đổ xô về mua đất nông nghiệp làm nơi chôn cất người thân khi qua đời vì Đường Lâm là vùng đất "đắc địa", nếu con cháu cải táng ông bà, cha mẹ khi đã "sang bên kia thế giới" ở nơi đất tốt sẽ được phù hộ làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức.
Những thửa ruộng của làng Mông Phụ đang dần thu hẹp trong khi những ngôi mộ mới xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: Gia Văn |
Còn lý do vì sao nhiều năm về trước người ta không tìm đến Đường Lâm để mua đất làm "sinh phần", mà phải chờ đến giờ mới "phát hiện" ra ở đây có nhiều mảnh đất "hàm rồng", "rốn rồng"? Phải mất khá nhiều thời gian lân la tại các quán cóc ở làng Mông Phụ và qua câu chuyện của nhiều người trong làng, chúng tôi mới tìm được câu trả lời. Câu chuyện bắt đầu khoảng mười năm về trước, khi một gia đình "danh gia vọng tộc" trong làng, trong xã đã nhờ thầy nổi tiếng trong lĩnh vực phong thủy về đồng làng tìm thế đất thích hợp để đặt mộ cho người quá cố. Thế rồi, chẳng biết thầy nói những gì về thế đất của cánh đồng Đường Lâm, mà cụ thể ở đây là đồng làng Mông Phụ, chỉ biết rằng người ta cứ "một đồn mười", rồi "mười đồn trăm" và thời gian sau đã có rất nhiều người tứ xứ đổ về Đường Lâm để tìm mua đất nông nghiệp làm "sinh phần" cho gia đình mình, hy vọng con cháu sau này được "mở mày, mở mặt" với đời. Đương nhiên, phần lớn trong số họ là những người có "máu mặt", giàu có, bởi như lời các cụ: "Phú quý sinh lễ nghĩa"!
Được giá là bán
Về Đường Lâm bây giờ không còn được chứng kiến không khí sôi động "kẻ bán, người mua" đất làm "sinh phần" như thời điểm "sốt" cách đây 4-5 năm. Thế nhưng, chỉ cần đi một vòng quanh các xứ đồng trong xã là đã nhận được lời mời chào của chủ nhân các thửa ruộng đang cấy lúa, trồng lạc, trồng ngô hay trồng đậu: "Mua đất làm "sinh phần" hả?", "Cần diện tích bao nhiêu?", "Đi theo tôi, tôi chỉ cho mảnh ruộng nhà tôi. Khỏi phải chê! Cứ gọi là "đắc địa", chẳng có thửa nào ở đây đẹp hơn đâu"… Tất nhiên giá cả là do "thuận mua, vừa bán", tùy vào diện tích và hơn thế, người ta còn dò xét xem người mua đã xem thầy phong thủy chưa, hay nói cách khác là đã "khát" thế đất "đẹp" đến mức nào để mà ra giá bán cho thích hợp.
Qua tìm hiểu được biết, khách thập phương tìm về Đường Lâm mua đất "sinh phần" phần lớn tập trung ở xứ đồng Áng Độ của làng Mông Phụ, còn bên làng Cam Lâm cũng có tình trạng mua bán nhưng ít hơn. Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tính (thôn Mông Phụ) đang hái đậu trên thửa ruộng của gia đình ở xứ đồng Áng Độ giải thích: "So với các xứ đồng trong xã, đất ở xứ đồng này quý hơn vì thuộc vùng đồi gò cao ráo. Khi khách đưa các thầy phong thủy đến xem, các thầy đều có chung nhận xét như vậy!". Ông Tính bộc bạch: "Đất canh tác của gia đình tôi ở xứ đồng này còn ngót cả sào nhưng tôi không bán, mặc dù không ít người hỏi mua. Tôi quyết giữ lại làm "sinh phần" của gia đình".
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu Rệ Nút (xứ đồng Áng Độ), ông Nguyễn Văn Liên, Trưởng thôn Mông Phụ cho biết, đây là khu vực mà nhiều gia đình ở nội thành Hà Nội chọn mua. Quả thực có nhiều thửa ruộng đã được xây tường bao quanh (chiều cao khoảng 60-70cm) để giữ đất. Dừng lại tại khu đất ước chừng hơn một sào, ông Liên cho biết: Phần ruộng canh tác này cách đây khoảng 4 năm đã bán lại cho một số gia đình ở Hà Nội với giá 1 triệu đồng/m2. Khu đất nay đã được xây tường bao quanh, chia thành 4 lô (ước diện tích khoảng 100m2/lô) rất quy củ, có cả nơi để hóa vàng và đều hướng về phía tây.
Có một thực tế, tuy ít người nói ra nhưng nó đã và đang diễn ra ở Đường Lâm, đó là nạn "cò mồi". Mặt khác, đã có hiện tượng liên kết ngầm giữa chủ đất và các "thầy" phong thủy để thổi giá và tạo nên những "cơn sốt" trong việc mua, bán đất "sinh phần".
Những hệ lụy "ăn theo"
Chiều 7-9, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với lãnh đạo xã Đường Lâm về các vấn đề liên quan đến thực trạng trên. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm khẳng định, không có tình trạng mua bán đất để làm "sinh phần" trên địa bàn xã. Có chăng, theo ông Thành, đó chỉ là một số gia đình đang định cư ở các địa phương khác nhưng quê gốc ở Đường Lâm nên khi người thân qua đời họ có nguyện vọng đưa về an táng tại quê nhà. Khi trao đổi về vấn đề quy hoạch nghĩa trang tại các thôn trong xã, ông Thành cho rằng, cả 9 thôn hiện nay đều đã có nghĩa trang tập trung, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trái ngược với lời ông Thành, qua tìm hiểu thực tế, đến thời điểm này, trên địa bàn xã Đường Lâm, vẫn còn 2 thôn Phụ Khang và Mông Phụ chưa quy hoạch được nghĩa trang tập trung. Ông Nguyễn Văn Liên, Trưởng thôn Mông Phụ khẳng định: "Từ trước đến nay, người dân làng Mông Phụ vẫn giữ thói quen, gia đình nào mỗi khi có người thân qua đời tự hung táng tại ruộng canh tác của gia đình đó; đến khi cải táng họ lại đưa về ruộng canh tác của gia đình họ ở trên xứ đồng Áng Độ để xây mộ". Được biết, thôn Mông Phụ có dân số hơn 2.000 nhân khẩu (khoảng 400 hộ dân), diện tích canh tác bình quân hơn 1 sào. Với tình trạng chôn cất người chết không tập trung như hiện nay, không những không bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn tốn quá nhiều diện tích đất gieo trồng. Trên thực tế, thôn Phụ Khang cũng đang đối mặt với tình cảnh tương tự. Nhiều cụ già trong làng lo ngại: "Nếu cứ mạnh ai nấy bán đất canh tác như thời gian vừa qua, cộng thêm các gia đình trong thôn đua nhau xây lăng, xây mộ hoành tráng thì chả mấy chốc làng Mông Phụ sẽ không còn đất để cày cấy".
Rõ ràng, việc chuyển nhượng sai mục đích đất nông nghiệp là trái luật. Thêm vào đó, việc mua bán đất nông nghiệp để làm "sinh phần" còn kéo theo nhiều hệ lụy về lâu dài. Những gì đã và đang diễn ra trên địa bàn xã Đường Lâm, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở.