Hà Nội: Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông đi trước
Kinh tế - Ngày đăng : 20:27, 08/09/2011
Từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn TP Hà Nội
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Hiện nay Bộ GTVT đang tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn TP Hà Nội bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA. Theo đó, có các đoạn tuyến đã hoàn thành và cơ bản đưa vào khai thác như: QL 32 đoạn Nam Thăng Long-Cầu Diễn, đoạn Nhổn - Sơn Tây, cầu Phùng; đường Vành đai 3 - giai đoạn 1, cầu Thanh Trì, QL 5, QL 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh, QL 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Đại lộ Thăng Long, QL 21 đoạn Sơn Tây-Xuân Mai…
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng dang thực hiện đầu tư 17 dự án, với tổng kinh phí 121.215 tỷ đồng, trong đó có 9 tuyến quốc lộ: QL 32 các đoạn Nam Thăng Long - Cầu diễn, Cầu Diễn -Nhổn; Vành đai 3 các đoạn Thanh Trì - Pháp Vân, Pháp Vân - Mai Dịch (giai đoạn 1,2), Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân…; 4 tuyến cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng (105km), Hà Nội - Thái Nguyên (62,5km), Nội Bài - Lào Cai (264km)…; 2 tuyến đường sắt nội đô gồm: Tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Tuyến số 2, nhánh 2 đoạn Cát Linh - Hà Đông và 1 tuyến đường sắt khổ lồng đoạn Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; 1 dự án nhà ga T2 và 1 đường thủy nội địa.
Ngoài ra, Bộ đang triển khai chuẩn bị đầu tư 6 dự án, tổng kinh phí khoảng 71.157 tỷ đồng, gồm 2 tuyến quốc lộ: QL3 cũ đoạn Hà Nội -Thái Nguyên; tuyến Pháp Vân - Cầu giẽ, hầm chui nút Thanh Xuân; 3 tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Lạng sơn và Mai Dịch - Nội Bài; 1 tuyến đường sắt nội đô: Deawoo-Láng Hòa Lạc và Hà Nội - Nội Bài; đồng thời đang tiếp tục nghiên cứu quy hoạch đường Vành đai 4 đoạn phía Bắc và đường Vành đai 5 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2011.
Các dự án do Bộ đầu tư hoàn thành kết hợp với một số công trình của TP (cầu vĩnh Tuy, đường Lạc Long quân, đường Lê Văn Lương kéo dài; đường Lê Trọng Tấn - quận Hà Đông) bước đầu đã cải thiện được mạng lưới giao thông phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển của thủ đô. Tuy nhiên, so với sự phát triển chung và nhu cầu của Hà Nội thì việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của TP còn hạn chế.
Điểm đầu Đại lộ Thăng Long.
HN cần 153.712 tỷ đồng để phát triển mạng lưới giao thông trong 5 năm tới
Đánh giá hiện trang hạ tầng giao thông vận tải Thủ đô, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Hà nội cho biết: kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều bất cập và yếu kém, thiếu một mạng lưới khung hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông vận tải. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu (hiện tại chỉ chiếm khoảng 7-8% đất xây dựng đô thị), trong đó mức yêu cầu hợp lý cho một đô thị hiện đại là từ 20-26% (theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, chỉ tiêu này là 20-25%). Mặt cắt ngang đường hẹp và nhiều nút giao thông đồng mức; mạng lưới giao thông đường bộ chưa hoàn thiện; các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín; tiến độ thực hiện các dự án giao thông đều chậm so với kế hoạch.
Ngoài ra, phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh (15%); hệ thống bến, bãi, điểm đỗ xe thiếu về số lượng và chất lượng dịch vụ chưa cao, phân bố không đều và hợp lý (mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu giao thông tĩnh). Hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phát triển (chỉ có loại hình xe buýt và mới đáp ứng được 8-9% nhu cầu đi lại).
Tiếp đó, việc phát triển đô thị chưa đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhiều khu vực xây dựng nhiều chung cư nhưng mạng lưới đường không phát triển tăng thêm; nhiều khu đô thị mới xây dựng chưa có hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối với mạng lưới đường hiện có, thiếu các cầu vượt sông hoặc có nhu cầu nhưng tải trọng thấp chưa đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại của nhân dân, nhất là ở một số khu vực các huyện ngoại thành. Tổng chiều dài hệ thống giao thông nông thôn và nội đồng trên địa bàn TP là 12.946,5km. Tuy nhiên, còn lại 4.903,4km đường đất và đường cấp phối chưa cứng hóa.
Cũng theo Phó Chủ tịch, trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội phấn đấu đảm bảo 100% các quận, huyện, thị xã có quy hoạch chi tiết mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải để làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án. Tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông thêm từ 0,3-0,5% một năm; đến 2015 tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,5-9% đất xây dựng đô thị; tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 5%. Bên cạnh đó là phát triển thêm 12 tuyến xe buýt (từ 65 tuyến lên 77 tuyến), đến năm 2015, đưa lượng hành khách sử dụng phương tiện xe buýt lên 777 triệu lượt hành khách/năm. Dự kiến, nhu cầu vốn trong 5 năm tới để Hà Nội phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông rất lớn, lên đến 153.712 tỷ đồng.
Trong cuộc họp, Phó Chủ tịch cũng đề xuất với Bộ GTVT chỉ đạo TEDI sớm hoàn thành quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống xe điện ngầm TP Hà Nội theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô mới được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; chỉ đạo TEDI nghiên cứu hoạch định tuyến đường trên cao từ Nhật Tân vào trung tâm TP theo hướng đường đê. Bên cạnh đó, Bộ bố trí bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường 32 hoàn thành dứt điểm trong năm 2011; vốn GPMB các tuyến đường do Bộ GTVT làm chủ đầu tư trên địa bàn TP; hỗ trợ kinh phí duy tu, duy trì hệ thống cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh môi trường các tuyến đường quốc lộ chuyển giao từ Bộ GTVT cho địa phương quản lý…
Tăng cường phối hợp, giải bài toán ùn tắc giao thông
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành xem xét đề xuất về cơ chế, chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; thực hiện một số cơ chế đặc thù để triển khai các dự án, giải pháp, biện pháp cấp bách chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông trên một số địa bàn TP lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch hài hước nói: Việc giảm các phương tiện cá nhân, tăng hiệu suất sử dụng các phương tiện công cộng tưởng như rất đơn giản nhưng thực hiện rất khó. Cấm ô tô thì va vào các đại gia. Chặn xe máy, xe đạp thì ai lo cho người nghèo. Hạn chế dân cư thì vi phạm luật cư trú…Vì vậy giải bài toán ùn tắc giao thông không hề đơn giản…
Hơn nữa, Chủ tịch cũng nhấn mạnh kiến nghị của TP với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan di dời các công trình bệnh viện, trường học, khu công nghiệp ra khỏi trung tâm TP theo quy hoạch nhằm giảm lưu lượng phương tiện, mật độ dân cư khu vực nội đô. Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội thực hiện một số cơ chế đặc thù trong lập dự án, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ; bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn…
Kết thúc buổi họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ghi nhận, trong những năm qua TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phát triển mạng lưới giao thông. Bộ GTVT khẳng định việc phát triển giao thông của TP Hà Nội cũng là trách nhiệm của Bộ. Tới đây, Bộ GTVT và TP Hà Nội phải tăng phối hợp hơn nữa, đảm bảo mục tiêu GTVT phải phát triển đi trước một bước. Bên cạnh đó, Bộ GTVT nhất trí với những đề xuất của TP lên Chính phủ,. Tới đây, Bộ cũng sẽ cử đầu mối rà soát các kiến nghị, đề xuất của TP; trên cơ sở đó đưa giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị TP ủng Bộ đề xuất lên Chính phủ việc áp giá sử dụng hạ tầng giao thông theo sự phát triển kinh tế thị trường.