Libya: Trước trận quyết đấu cuối cùng
Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 08/09/2011
Cho dù tuyên bố chiến thắng nhưng phe đối lập vẫn chưa thể khẳng định được quốc gia Libya sẽ yên bình. |
Tuy nhiên, ngay sau tối hậu thư của phe đối lập, phát biểu trên kênh truyền hình Arrai của Syria, nhà lãnh đạo M.Gaddafi một lần nữa thề không đầu hàng và tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy; đồng thời kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục kháng chiến. Đến nay, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo M.Gaddafi vẫn kiểm soát 4 thành phố Bani Walid, Jufra, Sabha và Sirte. Bani Walid cách thủ đô Tripoli chừng 150km về phía đông nam, là trung tâm của bộ lạc Warfalla, với khoảng một triệu người, là bộ lạc lớn nhất và có thế lực nhất ở Libya. Người dân nơi đây được coi là những người trung thành nhất, sẵn sàng bảo vệ chính quyền M.Gaddafi. Do vậy, tiến vào thành phố này được xem là bước đi quyết định cuối cùng của cuộc chiến tại Libya. Hiện tại, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC), đại diện cho phe nổi dậy, đang nỗ lực tìm cách tránh một cuộc chiến ở Bani Walid. Theo thông báo của Đài Truyền hình Al Jazeera, NTC đã đạt được thỏa thuận với các thủ lĩnh bộ tộc địa phương để tiến vào Bani Walid. Nhưng NTC chưa xác nhận thông tin này. Trong khi đó, nhiều nguồn tin ngày 5-9 cho biết, hai con trai của ông M.Gaddafi là Saif al-Islam và Mustassim cố thủ tại Bani Walid đã thoát ra ngoài thành phố và di chuyển về phía nam Libya.
Cùng với Bani Walid, nhà lãnh đạo M.Gaddafi ở đâu đang là một ẩn số ở Libya. Vì chừng nào ông M.Gaddafi còn tự do, cuộc nội chiến Libya vẫn chưa thể kết thúc cho dù phe nổi dậy có kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Trong một diễn biến mới, ngày 7-9, Hisham Buhagiar, người đứng đầu cuộc truy lùng nhà lãnh đạo M.Gaddafi cho biết, ông M.Gaddafi đang trên đường tới biên giới miền Nam Libya hoặc có thể đã ẩn náu tại làng Ghwat, ở miền Nam, cách biên giới giáp Niger 300km về phía bắc. Trước đó, tối 5-9, một đoàn khoảng 250 xe bọc thép chở lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo này đã vượt biên giới vào Niger và được quân đội Niger hộ tống. Nhiều khả năng ông M.Gaddafi và con trai Saif al-Islam có thể đã nhập vào đoàn xe này để tới Burkina Faso, quốc gia Tây Phi giáp giới với Niger, nơi từng đề nghị ông M.Gaddafi cùng gia đình sang nương náu. Tuy nhiên, Burkina Faso đã bác bỏ tin này. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thì khẳng định, M.Gaddafi đang trên đường tháo chạy nhưng Washington không tin là ông đã rời Libya.
Rõ ràng, mặc dù đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya quốc gia, nhưng NTC đang vướng vào một bài toán hóc búa. Theo giới quan sát, tìm và diệt được ông M.Gaddafi đã khó, việc thống nhất NTC thành một khối còn khó hơn. Theo nhiều nguồn tin, các phần tử cực đoan, những chiến binh tử vì đạo của Hồi giáo trong lực lượng nổi dậy tại Libya, đã lên một kế hoạch thành lập nhà nước Hồi giáo thời hậu M.Gaddafi. Một báo cáo mật mà "Thời báo Washington" công bố cho biết kế hoạch của nhóm Hồi giáo cực đoan này trùng khớp với sự nổi lên của Abu Abdallah Al-Sadiq, cựu lãnh đạo tổ chức Nhóm chiến đấu Hồi giáo Libya (LIFG), được cho là có liên hệ với al-Qaeda. Al-Sadiq hiện là một trong những chỉ huy của lực lượng nổi dậy trong cuộc tiến chiếm Tripoli. Theo kế hoạch của nhóm này thì chiếm giữ Tripoli chỉ là bước đầu tiên để họ kiểm soát Libya. Bước tiếp theo sẽ là cuộc chiến chống lại những người nổi dậy ôn hòa và NTC. Những phần tử cực đoan muốn xây dựng một nhà nước Hồi giáo cai trị bằng luật Shariah tại Libya và giảm dần sự ảnh hưởng từ bên ngoài…
Khi thời gian phe nổi dậy ở Libya đưa ra đối với lực lượng trung thành với chế độ của ông M.Gaddafi chỉ còn tính bằng giờ thì dư luận cho rằng, dẫu NTC có thắng dù không phải nổ súng cũng không có nghĩa cuộc chiến Libya sẽ kết thúc. Ngược lại, đó sẽ là bước khởi đầu của một nước Libya trong cuộc tranh giành mới giữa các phe phái với những nhân tố đầy bất ổn.