Chống thất thoát nước sạch: Giẫm chân tại chỗ

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 07/09/2011

(HNM) - Tỷ lệ thất thoát nước sạch ở TP Hồ Chí Minh vẫn ở vị trí "dẫn đầu" cả nước với gần 40%, trong khi đó, công tác chống giảm thất thoát nước vẫn "giẫm chân tại chỗ" dù dự án giảm thất thoát đã được triển khai.

Mỗi ngày "trôi" gần 3 tỷ đồng
Theo Tổng Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hệ thống cấp nước của đơn vị này hiện có công suất 1,585 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, con số thất thoát đang là 38%, nghĩa là mỗi ngày có đến 602.000m3 nước bị mất đi. Nếu tính theo đơn giá thấp nhất hiện tại là 4.400 đồng/m3 nước sinh hoạt thì mỗi ngày TP Hồ Chí Minh để "trôi" mất gần 3 tỷ đồng.

Hệ thống đường ống quá cũ, dễ nứt vỡ.


Nguyên nhân thất thoát nước, bên cạnh tình trạng đường ống bị vỡ do thi công các công trình ngầm, do áp lực từ các phương tiện lưu thông quá tải trọng trên đường, do tình trạng đấu nối bất hợp pháp, can thiệp vào đồng hồ nước và gian lận trong sử dụng nước… thì nguyên nhân được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay là hệ thống đường ống quá cũ, gây  rò rỉ và dễ vỡ. Theo Sawaco, hệ thống cấp nước đã được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Hiện TP có đến 3.350km đường ống, trong đó hơn 700km đã sử dụng trên 30 năm nên nhiều đoạn đã bị mục. Vì vậy, chỉ cần tăng áp lực nước là đường ống không chịu nổi, sẽ vỡ dẫn đến thất thoát nước. Theo sự phát triển của ngành nước, càng ngày công suất phát nước càng lớn, áp lực càng mạnh như vậy, thất thoát nước sẽ càng nhiều. Đơn cử, khi Nhà máy Nước BOO Thủ Đức tăng công suất từ 100.000 m3/ngày lên 300.000 m3/ngày đã làm tăng đáng kể lượng nước cung cấp cho TP, nhưng cũng làm gia tăng áp lực lên hệ thống cấp nước, làm nhiều ống bị vỡ, mất nhiều nước hơn.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015 Sawaco sẽ tăng công suất phát nước lên 2,4 triệu m3/ngày và đến năm 2025 là 3,4 triệu m3/ngày, đủ để 100% người dân TP được sử dụng nước sạch. Với lý giải trên của Sawaco thì công suất càng tăng thì… tỷ lệ thất thoát có nguy cơ càng cao hơn!

Giảm… nhỏ giọt!
Ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, theo kế hoạch mỗi năm Sawaco sẽ kéo giảm từ 1% đến 2% lượng nước thất thoát. Với lộ trình này, đến năm 2015 thất thoát sẽ còn 30-32%. Tuy nhiên, hiện các dự án chống thất thoát nước đang triển khai rất chậm chạp.

Dự án giảm thất thoát nước tại TP Hồ Chí Minh thuộc giai đoạn 2 của dự án cấp nước đô thị Việt Nam được Chính phủ cho phép đầu tư tháng 7-2006. Với dự án này, hệ thống cấp nước trên địa bàn được chia làm sáu vùng lớn. Bước đầu, Sawaco sẽ triển khai tại vùng 1 và 2 (quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú) theo phương pháp phân vùng, tách mạng. Nếu phát hiện khu vực nào có hiện tượng thất thoát nước, nhà thầu sẽ dùng máy dò để tìm ra điểm rò rỉ và khắc phục. Dự kiến đến giữa năm 2012, việc chống thất thoát nước tại hai vùng này hoàn thành thì lượng nước thất thoát được thu hồi vào khoảng 125 nghìn m3/ngày.

Theo Phòng hợp tác phát triển Sawaco, dự án giảm thất thoát nước bước đầu đã có hiệu quả khi lượng nước sạch thất thoát tại vùng 1 (các quận 1, 3 và 10) đã giảm hơn 30 nghìn m3/ngày. Dù đã cố gắng, nhưng lượng nước hiện thu được 30 nghìn m3/ngày vẫn chẳng thấm tháp gì so với con số 602 nghìn mét khối bị thất thoát. Ông Elmer M.Largo, Giám đốc Giảm thất thoát nước tại TP Hồ Chí Minh của Công ty Manila Water Việt Nam cho biết, quá trình thi công lắp đặt các đồng hồ tổng (DMA) để kiểm tra lượng nước thất thoát, đào hố thăm dò các van… thường gặp khó khăn do phải thi công trong môi trường giao thông đông đúc. Còn theo Sawaco, dự án phát triển chậm vì còn nhiều vấn đề liên quan đến giấy phép thi công, gia hạn thời gian đào đường… trong khi việc này vốn đòi hỏi nhiều thủ tục vì liên quan đến các công trình hạ tầng ngầm khác như đường, cống thoát nước...

Thất thoát nước tăng gánh nặng giá nước cho người dân, vì theo quy định hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước trong hệ thống mạng vừa có ống cũ, vừa có ống mới như TP Hồ Chí Minh được đưa vào tính trong giá thành là 29%. Theo các chuyên gia, nếu kéo giảm được lượng nước thất thoát, Sawaco sẽ giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm giá thành nước. Tuy nhiên, cuối những năm 1990 lượng nước thất thoát chỉ có trên 30% thì đến nay đã là… 38%.

Thuỳ Linh