Cần có phương thức huy động thích hợp
Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 07/09/2011
Quỹ hoạt động theo cơ chế chỉ cho vay để mua nhà ở, bảo đảm chi phí hoạt động cho bộ máy quản lý quỹ và cho vay ở mức bảo toàn vốn, không vì lợi nhuận. Ngoài ra, quỹ sẽ dành phần ưu tiên nhất định cho doanh nghiệp vay khi xây dựng nhà ở xã hội; người không có nhu cầu vay sẽ được rút cả gốc và lãi khi về hưu... Vấn đề này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ông Hoàng Minh Tuấn (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Nam Tiến): Phải tính đến hiệu quả
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập quỹ, nhưng trên cơ sở phải tính đến hiệu quả. Quỹ chỉ nên cho đối tượng vay là người lao động có nhu cầu mua nhà ở và không chia sẻ quỹ với các doanh nghiệp xây nhà xã hội. Trong thời gian qua, đã có một số dự án nhà thu nhập thấp được triển khai trên địa bàn Hà Nội, song giá bán không thấp, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ khá nhiều. Nếu quỹ này lại chia cho các doanh nghiệp, thì khó tạo dựng được lòng tin cho người đóng góp quỹ, bởi việc kiểm tra, giám sát của người lao động đối với hoạt động đó rất khó… Để quỹ có thể hình thành, Nhà nước cần hỗ trợ và kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức theo hình thức phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Dân (Chủ doanh nghiệp tư nhân, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm): Một đề án mang tính nhân văn
Đây là đề án có tính nhân văn và đề cao tính gắn kết trong cộng đồng, nếu thực hiện thành công sẽ mang đến sự ổn định cao cho xã hội. Tuy nhiên, nếu quỹ hình thành trên cơ sở đóng góp tự nguyện của người lao động từ nguồn tiền lương hằng tháng thì e rằng quỹ sẽ không thể thành lập được, hoặc thành lập được nhưng hiệu quả hoạt động thấp, vì số tiền thu được không nhiều. Theo tôi, để huy động được tối đa mức đóng góp của người lao động vào quỹ, cần phải áp dụng phương thức bắt buộc, song cũng rất khó khả thi. Bởi lẽ, trên thực tế, không phải người lao động nào cũng có nhu cầu vay tiền để mua nhà, vì vậy, nếu ép buộc họ đóng góp thì đó là sự bất bình đẳng, gây hiệu ứng không tốt cho xã hội. Thiết nghĩ, khi xây dựng đề án, Bộ Xây dựng nên khảo sát số người có nhu cầu vay tiền mua nhà ở, từ đó có phương thức huy động vốn thích hợp hơn.
Ông Cao Tiến Đoan (Chủ tịch Hội đồng quản trị, TGĐ Công ty BĐS và Tư vấn đầu tư xây dựng Đông Á): Khó huy động đóng góp quỹ trên diện rộng
Bức xúc về nhà ở thường xảy ra ở thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung đông công nhân, nên nếu huy động tốt thì cũng chỉ những người có nhu cầu ở khu vực đó đóng góp. Chưa kể, những người không có nhà ở phần lớn là người nghèo, để trang trải cho cuộc sống đã khó khăn, nay lại bớt một phần thu nhập hằng tháng để đóng quỹ, tôi thấy sức thuyết phục không cao. Mặt khác, để vay được tiền mua nhà ở, họ còn phải chờ sau rất nhiều năm (như một số nước đã từng áp dụng quỹ này)... Theo tôi, Bộ Xây dựng nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân, học tập kinh nghiệm của các nước đã áp dụng mô hình này để chọn lọc và áp dụng vào thực tiễn Việt Nam sao cho hiệu quả nhất.
Ông Chu Văn Thoa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng): Mấu chốt là phải xây dựng được đề án chuẩn
Trên một số phương tiện truyền thông đại chúng có nói đến việc ở Hàn Quốc và Singapore đã triển khai thành công mô hình này. Tuy nhiên, nếu so sánh với họ thì không ổn, bởi mức thu nhập của người lao động ở nước bạn cao hơn nhiều so với Việt Nam. Việc lập quỹ phải căn cứ vào thực tế thu nhập của người dân và cả chính sách quản lý thị trường bất động sản ở nước ta. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí vận hành, hoạt động của quỹ, bảo đảm sự trung thực, minh bạch khi quay vòng đồng vốn; quỹ phải có cơ chế quản lý chặt chẽ để người đóng quỹ được hưởng sự công bằng và phải bảo đảm quỹ không bị lạm dụng vì bất cứ mục đích gì... Tôi hy vọng Bộ Xây dựng sẽ tập hợp được những tiêu chí chặt chẽ, đầy đủ để có được một đề án hoàn chỉnh, mang ý nghĩa thiết thực cho xã hội.