Vi phạm hạ tầng dành cho xe buýt: Vẫn chưa có “thuốc” đặc trị?

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 06/09/2011

(HNM) - Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải và Công an TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có gần 1.000 điểm dừng và 340 nhà chờ xe buýt, trong đó có trên 50 điểm dừng, đỗ, nhà chờ thường xuyên bị chiếm dụng, đặc biệt là trong các tuyến phố ở các quận nội thành. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng các nhà chờ, điểm dừng xe buýt đang bị chiếm dụng còn lớn hơn rất nhiều...

Nhà chờ xe buýt trước cửa Bách hóa Kim Liên (135 Lương Định Của,  Đống Đa) luôn ngập rác  thải.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, hầu hết các điểm dừng, đỗ, nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, đỗ xe ôm đón khách, dừng, đỗ ô tô gây cản trở giao thông, làm điểm tập kết rác, dán tờ rơi rao vặt quảng cáo. Thậm chí, có nơi bị những người thiếu ý thức tiểu tiện bậy bạ, gây ô nhiễm, mất vệ sinh công cộng. Vi phạm lấn chiếm nhà chờ xe buýt nhiều vô kể, xảy ra ở hầu hết các quận, huyện, nhất là các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân; đặc biệt tập trung tại các điểm gần chợ, bến xe, trường học… Cụ thể, tại điểm chờ xe buýt trước tòa nhà E6 KTT Quỳnh Mai (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng), từ 15h đến 20h hằng ngày thường xuyên bị các hộ kinh doanh bia hơi, nước giải khát chiếm dụng làm bãi trông giữ xe. Ô tô con, xe máy hàng trăm chiếc xếp chật kín dưới lòng đường Kim Ngưu, kéo dài đến cả trăm mét. Xe buýt vào bến phải dừng, đỗ cho khách lên xuống ở giữa đường, gây cản trở và rất không an toàn cho người tham gia giao thông. Điểm chờ xe buýt tại số 120 Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) thường xuyên bị quán nước mía, xe ôm chiếm dụng khiến hành khách đi xe buýt phải đứng dưới lòng, lề đường chờ xe, gây mất TTATGT khu vực. Trong khi đó, nhà chờ xe buýt đối diện số 16 Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) bị các quán bán hàng xếp thùng xốp, đồ đạc chiếm dụng. Lòng đường bị ô tô đỗ choán hết vị trí dành cho xe buýt ra vào đón, trả khách. Đặc biệt, ngay ở số nhà 81 Trần Nhật Duật, trong khi toàn bộ vỉa hè tại khu vực nhà chờ xe buýt đã bị hàng quán lấn chiếm để bán hàng, thì dưới lòng đường người hành nghề xe ôm cũng tùy tiện đỗ xe nên các phương tiện qua đây rất dễ xảy ra va chạm. Ngoài ra, nhà chờ xe buýt này (nằm gần cổng Trường Tiểu học Trần Nhật Duật) cũng là nỗi bức xúc lâu nay của các phụ huynh học sinh khi con em họ phải học chung với tiếng còi xe ầm ĩ, tiếng huyên náo mất trật tự của các hàng quán "ăn theo" điểm dừng xe buýt. Thêm vào đó là nguy cơ mất ATGT cao mỗi khi các phụ huynh đưa đón con đến lớp, tan trường…

Việc các quán xá đua nhau mọc lên bày bán hàng; xe ôm "vây" nhà chờ; hành khách trong khi chờ xe ngồi ăn uống và xả rác ngay xuống lòng đường, làm mất mỹ quan đô thị. Thực trạng này gây không ít bức xúc và phiền toái cho hành khách và dân cư ở những khu vực này. Tuy nhiên dường như các lực lượng chức năng, cơ quan chủ quản vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT, Công an TP Hà Nội đã nhiều lần ra quân xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hạ tầng dành cho xe buýt. Nhiều biện pháp nghiệp vụ được áp dụng như: tạm giữ xe vi phạm, dùng máy ảnh, máy quay ghi lại những hành vi vi phạm của các phương tiện để có hình thức xử lý cụ thể... Trong các đợt ra quân, nhiều hàng quán đã được giải tỏa; bàn ghế, ô, bạt bị thu giữ; ô tô dừng đỗ sai quy định bị xử lý; chủ phương tiện xe ôm bị xử phạt... Tuy nhiên, sau các đợt ra quân, tình trạng tái lấn chiếm hạ tầng xe buýt lại tiếp tục xảy ra và ở một số nơi tình trạng vi phạm này còn có phần nghiêm trọng hơn...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đưa ra kiến nghị: Liên ngành công an - thanh tra GTVT cần thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm các hành vi chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng xe buýt của các quán nước, xe ôm, ô tô và người bán rong; tăng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, xử lý. Bên cạnh đó, công an, chính quyền sở tại cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT cho người dân, nhất là đối với những người sinh sống trên địa bàn có các điểm dừng đỗ, nhà chờ dành riêng cho loại phương tiện này.

Bài, ảnh: Dạ Khánh