Kiến nghị đối với cơ chế tài chính xây dựng Thủ đô

Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 06/09/2011

Chiều 5/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về chương trình hợp tác và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tài chính 16 nội dung liên quan đến cơ chế tài chính xây dựng Thủ đô mà trọng tâm là các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chiều 5/9, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về chương trình hợp tác và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tài chính 16 nội dung liên quan đến cơ chế tài chính xây dựng Thủ đô mà trọng tâm là các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung vốn để hoàn thành 3 dự án gồm dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32; dự án cầu Vĩnh Tuy và dự án Khu tái định cư Trường bắn Đồng Doi. Đồng thời, bố trí vốn trong dự toán ngân sách năm 2012 cho 9 dự án thuộc ngân sách Trung ương giao cho thành phố thực hiện trên địa bàn.

Đó là dự án đường 5 kéo dài (Cầu Chui-Đông Trù-Phương Trạch-Bắc Thăng Long); quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn-Nhổn); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Cầu Chui-Cầu Đuống; nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020; cầu Vĩnh Tuy; dự án khu tái định cư Trường bắn Đồng Doi; dự án xây dựng quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi); dự án xây dựng quốc lộ 1A (đoạn Ngọc Hồi-Cầu Giẽ); đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ-Đáy.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung kinh phí để Hà Nội thực hiện nhiệm vụ duy tu, sửa chữa 8 tuyến quốc lộ mà Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển về thành phố quản lý.

Về cơ chế chính sách, thành phố kiến nghị Trung ương có cơ chế hỗ trợ vốn vay đầu tư ngay từ đầu với lãi suất ưu đãi tối đa đối với các dự án xã hội hóa cung cấp dịch vụ đô thị như thu gom xử lý rác, duy trì cây xanh, vận chuyển hành khách bằng xe buýt, các dự án cấp nước…

Thành phố đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành các quy định, thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến tài chính các hợp đồng dự án BOT, BTO, BT; quy chế tài chính đối với Quỹ phát triển đất tại địa phương; quy chế phối hợp cụ thể giữa các đơn vị trong ngành tài chính và phối hợp với các đơn vị ngân hàng để bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý thuế.

Thành phố cũng đề nghị Trung ương bổ sung danh mục Dự án xử lý môi trường, giao thông đô thị thực hiện theo hình thức BT vào nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi tín dụng đầu tư của Nhà nước thông qua hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Do rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư các dự án xã hội hóa bãi trông xe vì thời gian thu hồi vốn quá dài, thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại Thông tư 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định mức trần của một số loại phí như phí qua đò, phí trông giữ xe… Theo thành phố, những quy định ở Thông tư này đến nay đã không còn phù hợp.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định Bộ Tài chính sẽ huy động tổng hợp tất cả các nguồn vốn tài chính, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, ưu tiên cho Thủ đô nhiều nhất trong điều kiện ngân sách cho phép.

“Bộ Tài chính có trách nhiệm hỗ trợ Hà Nội thực hiện các mục tiêu như phát triển hạ tầng trong những năm tới đây,” Bộ trưởng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cùng với Hà Nội tăng cường trao đổi, phối hợp để xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô để trình ra Quốc hội trong thời gian sớm nhất

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định Hà Nội sẽ tăng cường quản lý thu ngân sách, bố trí cân đối các nhiệm vụ về chi thường xuyên, chi đầu tư cho phù hợp, tương xứng với yêu cầu xây dựng Thủ đô “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” để Hà Nội thực sự ngang tầm với Thủ đô các nước trong khu vực và thế giới.

Trong thời gian tới, Hà Nội và Bộ Tài chính sẽ xây dựng chương trình phối hợp hành động về thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô trên cơ sở quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

TTXVN