Truyền dạy nghề thủ công mỹ nghệ: “Bảo tồn để phát triển”

Kinh tế - Ngày đăng : 15:25, 05/09/2011

(HNMO) - Diễn ra trong buổi sáng 10/9/2011, Diễn đàn truyền dạy nghề thủ công mỹ nghệ năm 2011 tại Hội chợ Nông sản và Thủ công mỹ nghệ khu vực phía Bắc năm 2011 là dịp để nhìn lại công tác truyền dạy nghề theo hình thức cha truyền con nối tại các làng nghề, cơ sở sản xuất Thủ công mỹ nghệ truyền thống.


Diễn đàn là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Hội chợ nông sản và Thủ công mỹ nghệ khu vực phía Bắc năm 2011 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức từ ngày 9 đến 14 tháng 9 năm 2011 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (Số 2, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Bên cạnh diễn đàn còn một số hoạt động thiết thực khác như: thao tác trình diễn nghề tiêu biểu: tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, nón làng Chuông, mây tre đan, trạm bạc Châu Khê, đúc đồng Đại Bái..; biểu diễn văn hóa, văn nghệ: quan họ Bắc Ninh, Chèo Mê Linh – Hà Nội; hoạt động vui chơi giải trí khác: rước đèn Trung thu, trò chơi dân gian nặn tò he, múa rối cạn, bịt mắt đập niêu, đốt lửa thổi cơm thi...

Với quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp & PTNT , đại diện các Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục phát triển nông thôn các Tỉnh phía Bắc; Tổng cục dạy nghề, Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề thuộc Bộ Lao động Thương binh xã hội; các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề, các tổ chức, Hiệp hội, các làng nghề truyền thống, nghệ nhân, thợ thủ công và nông dân các Tỉnh thành…Diễn đàn là nơi đào tạo, bồi dưỡng nghề của các nghệ nhân, thợ giỏi, nhằm truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho thế hệ thanh thiếu niên thuộc các làng nghề truyền thống khu vực phía Bắc; đồng thời là dịp tổng kết, đánh giá hiệu quả của công tác truyền dạy nghề theo hình thức cha truyền con nối tại các làng nghề và cơ sở sản xuất trong làng nghề Thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong thời gian qua.

Diễn đàn dự kiến sẽ thông qua một số các báo cáo tập trung vào các vấn đề như: Thực trạng nhu cầu và giải pháp phát triển nhân lực kỹ thuật cho sự phát triển làng nghề Việt Nam đến năm 2020, vấn đề truyền nghề kết hợp với lưu giữ công nghệ sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống; giới thiệu ba mô hình đào tạo nghề truyền thống nhằm xây dựng và phát triển làng nghề; tổ chức việc làm kết hợp với xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho lao động nông thôn và vấn đề người cao tuổi với thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển làng nghề….

Sự thành công của Diễn đàn lần này chính là cơ hội để các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nghệ nhân làng nghề giao lưu, bày tỏ những mong muốn và cùng chia sẻ các kinh nghiệm thúc đẩy công tác truyền dạy nghề thủ công truyền thống với phương châm “Bảo tồn để phát triển”.

H.Đ