Huyện Ứng Hòa: Chưa giàu được từ làng nghề
Kinh tế - Ngày đăng : 07:26, 05/09/2011
Hiện tại, Ứng Hòa đang phát triển các ngành nghề TTCN chính, gồm: may áo dài, mây tre đan, chẻ tăm hương, làm đàn, dệt màn, sơn mài... Cả huyện có 138 thôn, thì 113 thôn có nghề, 23 thôn được công nhận làng nghề. Ngành nghề phụ phát triển rộng khắp, tuy nhiên hiện tỷ lệ hộ nghèo trong huyện còn cao, nguyên nhân do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh và không có việc làm ổn định, không có tay nghề.
Làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá (xã Hòa Lâm) có 300 hộ, 1.800 khẩu, nhưng chỉ có khoảng hai chục hộ sản xuất tại nhà, với trên 50 lao động. Còn lại hầu hết lao động của làng hành nghề tại nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tới các phố Lương Văn Can, Cầu Gỗ, các nhà may áo dài nổi tiếng như Vinh Trạch, Tân Trạch, Phúc Trạch… là người gốc làng Trạch Xá. Còn đối với nghề làm đàn, cả nước hiện nay chỉ còn có duy nhất làng Đào Xá còn làm các loại đàn dân tộc. Với trên 20 hộ theo nghề, mặc dù sản phẩm khá đa dạng, như đàn bầu, tam thập lục, đáy, nguyệt, tỳ bà... rồi cả nhị, hồ, líu... đều có đủ. Nhưng do đầu ra hạn chế, nhiều hộ làm đàn trước đây đã chuyển sang làm nghề mới.
Chúng tôi đến xã Hòa Xá một xã được xem là "cái nôi" của nghề may mặc của Ứng Hòa. Dọc theo những con đường bê tông liên thôn dẫn vào các làng nghề là khung cảnh im ắng, ít nghe tiếng máy dệt lách cách. Rất khó để có thể cảm nhận rằng, Hòa Xá đã từng là một làng nghề may mặc có tiếng. Nghề dệt Hòa Xá đã có hàng trăm năm nay, hàng năm đem về 50% thu nhập, là nguồn sống của gần 60% dân số của xã những năm trước đây. Tuy nhiên, do tác động của thị trường, làng nghề dệt đang đứng trước nhiều thách thức. Những sản phẩm chính của làng nghề như: vải xô, vải màn, vải gạc y tế… chủ yếu phục vụ cho quốc phòng, ngày nay còn rất ít người dùng, nên thị trường thu hẹp dần.
Củng cố nghề cũ, cấy thêm nghề mới
Theo ông Lê Văn Soái, Phó phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa: Nguyên nhân khiến các làng nghề của huyện Ứng Hòa không có sức bật lớn, lao động làng nghề không đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương là do người làm nghề không bắt nhịp được với cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp thu gom, bao tiêu sản phẩm làng nghề hầu như không có. Nhiều làng nghề mây, tre đan chỉ làm gia công cho một số DN ở địa phương khác nên không chủ động được sản xuất… Đáng lưu ý trong giai đoạn hiện nay những sản phẩm làm ra từ các làng nghề như dệt may Hòa Xá, đan lát Hoa Sơn… không còn được sử dụng nhiều như trước kia bởi quá trình CNH, HĐH đã có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, nhất là hàng nhựa thay thế dần. Đồ may mặc cũng vậy, những sản phẩm thủ công không thể cạnh tranh được với các loại sản phẩm vải cốt tông, sợi nilon được sản xuất theo dây chuyền dệt hiện đại... Bên cạnh đó, do thiếu nguồn vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ mới, cải tiến sản phẩm, nâng cao năng suất, thiếu đội ngũ lao động trẻ có trình độ tay nghề cao, tính sáng tạo trong từng sản phẩm còn hạn chế...
Để giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống, cuối năm 2010, làng nghề sản xuất nhạc cụ dân tộc Đào Xá của huyện đã được UBND TP công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội". Đây cũng xem như một sự khích lệ, định hướng để các lớp nghệ nhân của làng yên tâm giữ nghề và truyền nghề cho các thế hệ trẻ, từng bước vực dậy phát triển. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, địa phương đã tăng cường công tác hỗ trợ việc truyền dạy nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động để sản xuất ra nhiều sản phẩm, bảo đảm chất lượng và giữ được nét văn hóa truyền thống. Hằng năm, nhờ có thêm nguồn kinh phí khuyến công TP hỗ trợ, đã đào tạo hơn 1.000 lao động cung ứng, bổ sung cho các làng nghề. Ngoài việc xây dựng và phát triển các làng nghề truyền thống, huyện Ứng Hòa còn tập trung nhân cấy thêm nhiều nghề cho các xã thuần nông như mây, tre đan, chẻ tăm hương, sơn mài… Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ huyện Ứng Hòa nhân cấy 7 lớp nghề mới với 350 lao động, phấn đấu đạt 120 làng có nghề, 23 làng nghề được TP Hà Nội công nhận. Từ nay đến năm 2020, phấn đấu mỗi xã có ít nhất một làng nghề và 100% làng có nghề.