Tắc vốn, chậm giải ngân
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 05/09/2011
Đường Văn Cao - Hồ Tây, một trong những dự án trọng điểm có tiến độ triển khai chậm. Ảnh: Bá Hoạt
Nhiều đơn vị giải ngân thấp
Tại hội nghị kiểm điểm tình hình đầu tư XDCB vừa được TP Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đến nay UBND TP đã giao kế hoạch vốn đầu tư XDCB với tổng số hơn 20.236 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư XDCB tập trung 18.448 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia và TP là 749 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ: 883,5 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết Thủ đô: 155 tỷ đồng. Đánh giá chung cho thấy, chỉ có một số đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, như Sở Xây dựng giải ngân được 706 tỷ đồng bằng 122% kế hoạch; Sở NN&PTNT giải ngân 151 tỷ đồng đạt 83%; quận Hoàng Mai 493 tỷ đồng đạt 329%; quận Long Biên đạt 535 tỷ đồng đạt 79%; huyện Phúc Thọ 38,8 tỷ đồng đạt 84%...
Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, còn lại cơ bản các sở, ngành, quận, huyện tiến độ triển khai các dự án còn chậm, kết quả giải ngân đạt thấp. Với nguồn vốn do TP trực tiếp quản lý (gồm cả phần giao quận, huyện làm chủ đầu tư) đến nay các quận Hà Đông, Đống Đa, các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai có giá trị giải ngân đạt dưới 30%. Với nguồn vốn phân cấp và hỗ trợ có mục tiêu cho quận, huyện, có tới 8 địa phương giá trị giải ngân dưới 20%, thậm chí có địa phương chỉ giải ngân được hơn 5%. Giải thích lý do giải ngân chậm, lãnh đạo Sở KH&ĐT nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ thông qua việc dừng triển khai, đình hoãn, giãn tiến độ và cắt giảm kế hoạch vốn của hàng trăm dự án. Tuy nhiên, đây chỉ là lý do khách quan. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhiều địa phương chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt trong khi các dự án được lập phải phù hợp với nhiều quy hoạch từ kinh tế-xã hội, quy hoạch chuyên ngành, xây dựng… dẫn đến phải thỏa thuận về quy hoạch với nhiều sở, ngành mất không ít thời gian; việc đền bù GPMB của hầu hết các dự án đều gặp khó khăn làm kéo dài thời gian chuẩn bị khởi công hoặc đang thi công phải dừng vì vướng GPMB; một số chủ đầu tư năng lực yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu so với nhiệm vụ được giao. Không ít dự án trọng điểm, cấp bách của TP nhưng tiến độ triển khai hiện đang rất chậm, như quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn-Nhổn), đường Văn Cao-Hồ Tây, đường nối quốc lộ 5 và khu công nghiệp Hapro, đường 16 và 35 Sóc Sơn…
Không chỉ vướng quy hoạch, GPMB, đại diện một số sở, ngành, ban quản lý dự án cho rằng, do giá biến động nhiều nhà thầu gặp khó khăn về năng lực tài chính khiến việc thi công bị chậm. Ngoài ra, giá vật tư liên tục tăng nên nhiều chủ đầu tư, nhà thầu lúng túng trong việc thống nhất phương thức xác định giá vật liệu thanh toán bổ sung theo thời điểm...
Tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư
Chỉ còn khoảng 4 tháng nữa là hết năm 2011, trong khi đó các dự án vẫn còn bộn bề, khối lượng vốn phải giải ngân rất lớn. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, qua đó đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đại diện Sở KH&ĐT cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư khẩn trương có các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thi công và kiên quyết thay thế nhà thầu vi phạm nghiêm trọng tiến độ theo hợp đồng đã ký. Các chủ đầu tư phải chịu toàn diện về chất lượng công trình, tiến độ giải ngân và hiệu quả đầu tư các dự án trước UBND TP. Sở cũng kiến nghị UBND TP kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án mà đến tháng 9-2011 chưa thanh toán vốn thuộc kế hoạch năm 2011 để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2011 và 2012.
Đánh giá về tình hình giải ngân các dự án đầu tư XDCB từ đầu năm đến nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân của TP thấp hơn mức trung bình của cả nước (cả nước đạt 54,9% kế hoạch). Khâu thẩm định và phê duyệt dự án còn rất chậm và cứng nhắc. Do đó, TP yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị chủ đầu tư cần quyết liệt, chủ động hơn trong việc triển khai các dự án, tăng khối lượng giải ngân. Để thực hiện được mục tiêu này, các sở, ngành phải đặc biệt chú trọng khâu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ dự án. Cụ thể Sở QH&KT và chủ đầu tư các dự án cần phối hợp cung cấp thông tin, địa điểm chỉ giới các khu vực dự kiến xây dựng các khu tái định cư. Từ đó Sở KH&ĐT và Sở QH&KT đề xuất địa điểm xây dựng các khu tái định cư. Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở KH&ĐT kiểm tra, xem xét với các dự án chưa khởi công, hoặc được giao nhưng chưa triển khai thì cân đối lại nguồn vốn chuyển cho các dự án đang đáp ứng được tiến độ nhưng thiếu vốn. Sở Tài chính cùng Sở KH&ĐT xây dựng kế hoạch điều hòa vốn bảo đảm tính khả thi và tăng tỷ lệ giải ngân trình TP phê duyệt.