Hướng nghiệp cho học sinh phổ thông: Lơ mơ đến bao giờ?
Giáo dục - Ngày đăng : 06:28, 05/09/2011
Hội chợ việc làm là kênh thông tin tốt cho học sinh phổ thông hướng nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt |
Từ tự phát trong tìm kiếm thông tin
PGS, TS Lê Thị Thanh Hương, Viện Tâm lý học cho biết, nhìn chung tâm thế hướng nghiệp của (HSTHPT) phát triển mạnh. Các em đã tích cực tìm hiểu thông tin về các ngành nghề theo các cách khác nhau như hỏi bố mẹ hoặc những người lớn, trò chuyện với bạn bè và theo dõi các chương trình trên truyền hình, đài phát thanh… giới thiệu về các ngành nghề. Nhiều em đã quan tâm tìm hiểu về một số vấn đề liên quan đến các cơ sở đào tạo như điểm chuẩn và các điều kiện để được vào học ở các trường đó. Tuy nhiên, việc vô cùng quan trọng trong lựa chọn nghề là làm trắc nghiệm đánh giá năng lực bản thân để có cơ sở lựa chọn ngành học phù hợp lại được rất ít HS quan tâm. Trong cuộc khảo sát gần đây của Viện Tâm lý học, chỉ có khoảng 25% số HS được hỏi đến các cơ sở tư vấn thực hiện công việc này.
Theo đánh giá của bản thân HS, những thông tin mà các em có được từ quan sát thực tế, từ việc làm của người thân và từ sách, báo, ti vi, internet… là những thông tin giúp ích cho các em nhiều nhất trong việc lựa chọn ngành học. Đáng lưu ý là những thông tin từ quảng cáo, hội chợ việc làm, các cơ sở hướng nghiệp ngoài xã hội, trong nhà trường và cả những môn học có tính hướng nghiệp trong chương trình phổ thông được khá nhiều em khẳng định rằng không giúp gì cho việc lựa chọn ngành học.
Đến hiệu quả kém
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát trên, trình độ đào tạo nghề mà phần lớn HS hướng tới sau khi tốt nghiệp THPT là trình độ ĐH (95,9%), chỉ có 3,7% số em định hướng vào CĐ, 0,4% vào trung cấp. Những ngành nghề mà nhiều HS muốn học là những ngành nghề liên quan đến kinh tế với 48,6% số HS được khảo sát lựa chọn. Có ngành nghề tỷ lệ HS muốn theo học thấp như ngành ngư nghiệp 0,3%... Vì vậy, những trường hấp dẫn HS nhiều nhất là những trường thuộc khối kinh tế. Ví dụ, các trường như ĐH Kinh tế quốc dân, Ngoại thương có tới 34,2% HS lựa chọn. Các trường còn lại có tỷ lệ lựa chọn rất thấp, điển hình ĐH Khoa học tự nhiên: 5,1%, ĐH Giao thông vận tải: 0,4%, ĐH Công đoàn: 0,2%...
Những số liệu nêu trên cho thấy tình trạng mất cân đối trong việc lựa chọn ngành nghề của HSTHPT. Tình trạng này một mặt sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo, cả những trường có nhiều học sinh lựa chọn lẫn những trường không được yêu thích, mặt khác nó cũng làm cho HS vất vả trong việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Theo điều tra mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, qua khảo sát về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam xếp hạng 53 trên 59 quốc gia và mất cân đối nghiêm trọng. Cụ thể, ở Việt Nam, cứ một cán bộ tốt nghiệp ĐH có 1,16 cán bộ tốt nghiệp trung cấp và 0,02 công nhân kỹ thuật, trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 1/4/10. Cũng tại nước ta, cứ một vạn dân có 181 sinh viên đại học, con số này của thế giới là 100. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối này, trong đó có lý do công tác hướng nghiệp chưa chuyên nghiệp.
Theo TS Lê Thị Thanh Hương, để hoạt động tư vấn hướng nghiệp có hiệu quả, cần phải xem giáo dục hướng nghiệp cho HS như một nội dung quan trọng trong toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông. Cụ thể, các nhà trường phổ thông nên xây dựng phòng tư vấn hướng nghiệp, hoặc bộ phận tư vấn hướng nghiệp trong phòng tư vấn học đường. Những người làm việc trong các phòng này phải được đào tạo về tư vấn tâm lý học đường và tư vấn hướng nghiệp. Công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp bao gồm xây dựng các bộ tư liệu cung cấp thông tin về các ngành nghề trong xã hội, các loại vị trí công việc, phân loại nghề, nhu cầu nguồn nhân lực; xây dựng các công cụ tư vấn hướng nghiệp; tổ chức các hình thức có tính thực hành hoặc trực quan như đi tham quan các cơ sở sản xuất, các trường đại học… phải được đầu tư thỏa đáng. Khi ấy, hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp mới có điều kiện trở thành hoạt động thường xuyên trong suốt năm học chứ không phải chỉ gần thi mới hướng nghiệp như hiện nay.