Libya: Khó khăn chất chồng
Thế giới - Ngày đăng : 05:49, 05/09/2011
Thủ đô Tripoli tiêu điều sau các cuộc giao tranh. |
Trước hết, đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tính đến nay, riêng ở thủ đô Tripoli vẫn còn 70% người dân chưa có nước sạch. Tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm ngày một trầm trọng. Gần một tháng nữa, theo thông báo của các quan chức chính quyền lâm thời, thì các ngân hàng mới có thể mở cửa trở lại để người dân được rút tiền và nhân viên chính phủ được nhận lương... Cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây đã buộc Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 3-9, phải đưa ra thông điệp kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới hỗ trợ ổn định Libya.
Trước đó, ngày 2-9, ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp không chính thức kéo dài 2 ngày tại thành phố Sopot của Ba Lan nhằm thảo luận việc tái thiết Libya như lập lại trật tự và an ninh, bảo đảm ổn định và phát triển lâu dài với sự tham gia của các công ty châu Âu vào lĩnh vực dầu mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngày 1-9, tại hội nghị "Những người bạn của Libya" diễn ra tại Paris (Pháp) quy tụ đại diện của hơn 60 quốc gia và tổ chức quốc tế, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, các nước đã bãi bỏ phong tỏa nhiều tài sản của chính quyền Muammar Gaddafi và khoảng 15 tỷ USD đã được giải ngân ngay lập tức. Còn Ngoại trưởng Italia Franco Frattini thông báo đang tìm cách gỡ bỏ phong tỏa 2,5 tỷ euro (3,59 tỷ USD) trong các tài sản bị phong tỏa của Libya trong vòng 1-2 tuần.
Thực tế, với dư luận, đó là những việc cần làm để kịp thời hỗ trợ khó khăn, ngăn ngừa nguy cơ cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra ở quốc gia này. Còn về lâu dài, những khoản tiền hỗ trợ, dỡ bỏ phong tỏa như "muối bỏ bể" khi mà sức tàn phá của hơn 6 tháng nội chiến đã đẩy Libya xuống hàng đáy trong bảng tổng sắp về sự phát triển kinh tế ở châu Phi. Trong khi đó, trên phương diện chính trị, tính bền vững của quốc gia này vẫn còn là ẩn số. Mặc dù, ngày 2-9, phe đối lập đã thông báo việc lập lộ trình cho tiến trình chuyển tiếp tại Libya, dự kiến kéo dài trong 20 tháng.
Theo đó, dự kiến cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sẽ được tiến hành vào đầu năm 2013, thế nhưng, các nhà quan sát vẫn nghi ngại về thành công của hoạch định này. Cho dù, chế độ của ông M. Gaddafi đã sụp đổ, nhưng những thành phần trung thành với nhà lãnh đạo trị vì 42 năm ở quốc gia Bắc Phi này vẫn còn rất nhiều, nếu không dung hòa các lợi ích sẽ rất khó có thể trụ vững. Trong khi đó, đáp lại yêu cầu của phe nổi dậy ngày 1-9 rằng, cho lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo M. Gaddafi hạn chót thêm 1 tuần nữa là ngày 10-9 phải ra hàng, thì ngay sau đó, nhà lãnh đạo M. Gaddafi đã kêu gọi những người ủng hộ ông hãy làm cho Libya bùng cháy. Một chỉ huy quân sự của NTC nhận định ông Gaddafi có thể đang ở khu vực Bani Walid ở ngoại ô thủ đô Tripoli và đang lên kế hoạch phản công. Trong khi đó, NTC đang tìm cách chiếm thành phố quê hương ông M. Gaddafi là Sirte.
Còn tình hình ở Bani Walid vẫn rất khó kiểm chứng về tính xác thực của các thông tin. Đáp lại thông tin việc Bani Walid thất thủ, ngày 3-9, người phát ngôn của phe M. Gaddafi bác bỏ những tin tức này và khẳng định các lãnh đạo bộ lạc ở đó vẫn trung thành. Bani Walid là một sa mạc cách thủ đô khoảng 150km về phía Đông Nam. Ông M. Gaddafi đã từng tuyên bố các bộ lạc ở Bani Walid và Sirte được trang bị vũ khí và không thể bị đánh bại. Họ sẽ chiến đấu từ thung lũng này đến thung lũng khác, từ quả núi này đến quả núi khác...
Từ thực tế của tình hình, dư luận cho rằng, phe đối lập ở quốc gia này, với sự trợ giúp đắc lực của phương Tây, có thể nhanh chóng hạ bệ chế độ của ông M. Gaddafi, thế nhưng, để duy trì được tình hình, vực dậy đất nước điêu tàn từ đổ nát sẽ không đơn giản. Trước hết, nó cần có sự đoàn kết trong chính nội bộ NTC, thế nhưng điều này cũng đã là một trở ngại lớn không dễ vượt. Libya khó khăn, chất chồng khó khăn là một viễn cảnh hiện thực.