Giải mã ẩn số chính trường
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 08:18, 02/09/2011
Sắc lệnh được Tổng thống D. Medvedev ký ngay sau cuộc gặp với lãnh đạo 7 chính đảng sẽ ra tranh cử vào Hạ viện Nga khóa tới gồm: Đảng Nước Nga Thống nhất (UR), đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), đảng Tự do - Dân chủ (LDP), đảng Nước Nga Công bằng (SR), đảng Sự nghiệp cánh hữu (PD), đảng Quả táo (Yabloko) và đảng Những người yêu nước Nga. Đây là những đảng đã đăng ký chính thức hoạt động trên lãnh thổ Nga và tuyên bố tranh cử vào Quốc hội khóa mới.
Thủ tướng V.Putin hay Tổng thống D.Medvedev sẽ ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới vẫn còn là ẩn số.
Dù các đảng phái vẫn đang nỗ lực triển khai chiến dịch thu hút lá phiếu của cử tri, song dư luận Nga cho rằng đảng UR cầm quyền vẫn sẽ giành được đa số trong Hạ viện khóa tới gồm 450 ghế nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mặt trận Nhân dân toàn Nga (ONF) mới được thành lập theo sáng kiến của thủ lĩnh đảng này kiêm Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Ba đảng có thể giành được trên 7% số phiếu ủng hộ (ngưỡng tối thiểu) để có đại diện trong Duma Khóa VI là KPRF, LDP và SR. Ba đảng còn lại ít có khả năng vượt được ngưỡng trên.
Nói cách khác, sẽ không có yếu tố bất ngờ trong bầu cử Hạ viện Nga lần này vì về cơ bản những đảng phái khác vẫn chưa đe dọa được vị thế vững chắc của UR. Tuy nhiên, sự kiện này đang thu hút mối quan tâm đặc biệt của dư luận nước Nga cũng như thế giới vì đây sẽ là thời điểm UR phải công bố ứng cử viên tổng thống cho cuộc chạy đua vào Điện Kremlin đầu năm 2012.
Ẩn số chính trường Nga mà nhiều người muốn biết là ai trong cặp đôi quyền lực của xứ bạch dương - Tổng thống đương nhiệm D.Medvedev hay Thủ tướng Vladimir Putin sẽ thay mặt UR ra tranh cử đang dần hé lộ. Cả hai nhân vật quyền lực của nước Nga đều khẳng định nếu người này ra tranh cử thì người kia sẽ rút lui và vẫn còn nhiều thời gian để đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng sau khi kết quả cuộc bầu cử Duma quốc gia sắp tới được thông báo, UR không thể trì hoãn thêm việc công bố ứng cử viên tổng thống.
Sở dĩ dư luận không thể dự đoán chủ nhân sắp tới của Điện Kremlin là do cả hai nhân vật đứng đầu nước Nga hiện nay chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách đánh giá chỉ số uy tín của giới chính khách. Với V.Putin, trong suốt 8 năm làm tổng thống (2000-2008), nhà lãnh đạo 59 tuổi này đã mang lại cho nước Nga rất nhiều, không chỉ vực dậy một nền kinh tế kiệt quệ mà còn đưa nước này trở lại danh sách một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, trả lại niềm tự hào cho xứ sở bạch dương. Trong thời gian đảm nhiệm vai trò Thủ tướng (từ năm 2008 đến nay), tình cảm của người dân Nga dành cho cựu điệp viên Cơ quan Tình báo Nga (KGB) cũng không hề giảm. Hình ảnh một chính khách có vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm túc, năng động, đa tài dường như chưa bao giờ mất đi sức hút mạnh mẽ đối với các cử tri ở quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới.
Còn với Tổng thống Dmitry Medvedev, không thể phủ nhận ông chủ đương nhiệm của Điện Kremlin đã có 3 năm cầm quyền khá thành công. Nga đã đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tốt hơn nhiều nước khác. Cựu luật gia 45 tuổi này được đánh giá là người có tư tưởng xây dựng một nước Nga cởi mở hơn và hiện đại hơn. Trong khi Thủ tướng Putin tin rằng, quá trình hiện đại hóa nước Nga cần phải thực hiện một cách từ từ, từng bước thì Tổng thống Medvedev lại cho rằng, quá trình này có thể được đẩy nhanh mà không làm hỏng những gì mà họ đã xây dựng được trước đó. Vừa thông minh, sắc sảo, có tài ngoại giao, vừa cứng rắn, kiên quyết, tất cả những yếu tố trên cho phép Tổng thống D.Medvedev có thể tự tin về cơ hội giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Có điều chắc chắn là, dù Thủ tướng V.Putin hay Tổng thống D.Medvedev ra tranh cử, sẽ không có điều chỉnh lớn đối với những chính sách của nước Nga trong thời gian tới.