Báu vật của nhân dân

Văn hóa - Ngày đăng : 07:06, 02/09/2011

(HNM) - Cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, ở tuổi 95 tóc bạc, chân đã yếu phải chống gậy, đi lại có người dìu; cháu Trần Sỹ Minh mới hơn 2 tuổi nói còn chưa rõ, hớn hở theo cha... là những hình ảnh khó quên trong ngày Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận tài liệu, hiện vật và gặp mặt cộng tác viên mới đây.


Khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyệt Ánh


Với bất kỳ bảo tàng nào, sưu tầm tài liệu, hiện vật luôn là công việc đầy khó khăn, thử thách nhưng riêng với Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu các tư liệu liên quan đến cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công việc ấy tương đối thuận lợi. Ông Chu Đức Tính, Giám đốc bảo tàng cho biết: Lượng tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong kho của bảo tàng đã lên đến 13 vạn, trong đó có rất nhiều hiện vật vô cùng quý giá, không thể tính được bằng tiền, đều do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao tặng. Hơn bốn mươi năm hoạt động, chưa bao giờ bảo tàng phải xin ngân sách nhà nước để mua tư liệu; cũng chưa bao giờ phải lo lắng nguồn tư liệu sẽ cạn kiệt. Bởi trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Bác đã đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề, có rất nhiều quyết định quan trọng và luôn yêu thương, gắn bó với mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân tôn kính nên tất cả những gì liên quan đến Người hoặc được Người trao tặng họ đều trân trọng, giữ gìn như báu vật. Nhờ đó, lượng tài liệu, hiện vật "chảy" về bảo tàng mỗi năm một tăng.

Đúng như ông Tính khẳng định, số người hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh trong năm 2010-2011 lên tới con số hàng trăm, vô cùng phong phú. Người nhận thì vui, người tặng thì tự hào. Như bà Nguyễn Thị Bích Thuận, vợ cố Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương chia sẻ: "Tôi hiến tặng bảo tàng chiếc Huy hiệu Bác Hồ của BTC bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 tặng tôi và bản gốc bức thư có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Trung Quốc gửi đồng chí Lê Văn Lương ngày 23-2-1968; cùng bộ lưu tập ảnh Hồ Chí Minh với mong muốn những tài liệu, hiện vật này được bảo quản tốt hơn, được giới thiệu rộng rãi hơn". Hay ông Phạm Đức Hùng, con trai trưởng của Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy CAND vũ trang từ 1960-1975, từng là Đặc phái viên mặt trận Điện Biên Phủ đã tặng bảo tàng những báu vật của gia đình là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp vào mùa thu năm 1946, trước khi Bác rời Paris về Việt Nam tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp; khẩu súng Mauser 707271 do Bác tặng bà Trần Thị Ngô (vợ ông Phạm Kiệt).

Nhân dịp này, gia đình bà Đào Thị Côi, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại thành phố Kazan, nước Cộng hòa Tatarstan (Liên bang Nga) cũng đã hiến tặng bức ảnh các sỹ quan cựu chiến binh Phòng không, Không quân Liên Xô từng làm việc tại Việt Nam và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cùng nhiều cuốn sách viết về Người.

Tỏa sáng nhân cách con người

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân cách và tâm hồn cao đẹp, với lối sống giản dị luôn là tấm gương sáng để mỗi người dân Việt Nam học tập và làm theo. Với những người may mắn từng được gặp, trò chuyện cùng Bác, được Bác động viên, khích lệ thì lối sống ấy, nhân cách ấy của Người là hành trang theo họ suốt cuộc đời, là động lực, là sức mạnh để họ sống, học lập, lao động và cống hiến.

Đã 42 năm Bác đi xa, nhưng bà Nguyễn Thị Bích Thuận vẫn nhớ như in hình ảnh Bác mỗi lần Bác đến thăm gia đình bà, nhớ những lần Bác trực tiếp vào bệnh viện thăm ông Lê Văn Lương bị ốm. Không hề có khoảng cách giữa vị Chủ tịch nước với nhân viên dưới quyền mà chỉ có tình đồng chí, đồng đội, đồng bào. Học được ở Bác sự gần gũi, giản dị mà thiêng liêng ấy, cả cuộc đời bà tần tảo nuôi con, chăm sóc gia đình để chồng yên tâm lo việc nước. Bà cũng không quên giáo dục con cái hãy noi gương Bác, gương cha mà học tập, lao động.

Không chỉ chăm lo việc nước, Bác còn lo cho cuộc sống của nhân dân. Bà Phan Thanh Hòa, cô giáo đầu tiên của Trại Mẫu giáo nội trú của quân đội ở chiến khu Việt Bắc, được thành lập sau sự gợi ý của Bác Hồ và đồng chí Trần Đăng Ninh, kể lại: "Năm 1951, tình hình kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc rất căng thẳng, bố mẹ ra chiến trường, các con không biết gửi ở đâu nên Bác đã gợi ý thành lập trường. Năm 1953 Bác đến thăm trường vào đúng Ngày sinh lần thứ 63 của mình nhưng Bác đã ở chơi cả ngày với các cháu, hỏi han, trò chuyện thân tình với giáo viên. Lần gặp Bác đầu tiên ấy đã gieo vào lòng tôi và thế hệ học trò thời ấy những tình cảm sâu sắc, học được ở Bác đức tính biết yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho mọi người". Bức ảnh Bác Hồ chụp cùng thế hệ học trò đầu tiên của Trại Mẫu giáo năm ấy, nay được nhà trường tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để công chúng có thể hiểu rõ hơn nhân cách cao đẹp của Người.

Ngay với những người Việt Nam xa quê như bà Đào Thị Côi thì hình ảnh về Bác cũng chưa bao giờ phai nhạt. Con trai bà Côi là anh Trần Quốc Lâm cho biết: Gia đình anh ở Kazan có bàn thờ Bác Hồ và ngày rằm, mồng một hằng tháng đều thắp hương tưởng nhớ công lao to lớn của Bác với dân, với nước. Nhờ đó, anh cùng các thành viên trong gia đình dù sinh ra sau chiến tranh và sinh sống ở nước ngoài vẫn thấm đẫm tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ngưỡng mộ và kính yêu Bác cũng chính là động lực để bà Côi đi sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác ở nước ngoài gửi về tặng bảo tàng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã rời xa chúng ta 42 năm nhưng Người vẫn sống mãi trong trái tim các thế hệ người con đất Việt.

Minh Ngọc