Con về bên Bác hôm nay
Chính trị - Ngày đăng : 07:03, 02/09/2011
(HNM) - "Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa"... Đầu thu năm nay, một mùa thu đẹp nắng xanh trời, tôi lại được vào Lăng viếng Bác, như người con nhớ quê lại tìm đường thăm quê vậy.
Mới hơn 8 giờ sáng mà từng đoàn người ở khắp mọi miền Tổ quốc, người nước ngoài đã đổ về khu Lăng Bác ở phố Lê Hồng Phong và phố Ngọc Hà đông như trẩy hội. Chúng tôi xếp hàng tận cuối phố Ngọc Hà để chờ vào viếng Người. Ban Bảo vệ Lăng đã tổ chức khá chu đáo để đoàn người trật tự bước chầm chậm vào khu lăng. Đứng cạnh tôi là một bạn còn khá trẻ tên Thành, quê ở Nghệ An, ra Thủ đô mưu sinh và lập gia đình từ nhiều năm nay (nhà ở số 63 Đội Cấn - Hà Nội). Thành bộc bạch: Mỗi năm em vào viếng Bác ba bốn lần vào những dịp ngày lễ, Tết. Bác chính là vị Thánh trong lòng dân đất Việt và xứ Nghệ của em...
Thăm nhà sàn của Bác. Ảnh: Bảo Lâm
Dòng người cứ nhích lên mãi và phía sau lại được lấp đầy bởi những đoàn người ở các tỉnh xa mới về. Mãi gần hai giờ sau, chúng tôi mới bước được vào cửa lăng. Vẫn như mọi khi, Người nằm đó thanh thản lạ lùng, như một pho tượng bằng cẩm thạch. Ngọn đèn đỏ tỏa ánh sáng vào khuôn mặt Người để mọi người được chiêm ngưỡng một Mặt trời trong Lăng cháy đỏ. Bất chợt tôi nghe một câu hát văng vẳng đâu đây: Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên. Như một vầng trăng sáng trong dịu hiền... và Đoàn người đi trong thương nhớ/Kết thành vòng hoa kính dâng 79 mùa xuân… tự nhiên tôi lại hồi tưởng lại những ngày đầu tháng 9 cách đây 42 năm - lúc Bác vừa đi xa. Tôi cũng là một trong số hàng chục ngàn người dân Thủ đô và các tỉnh líu ríu hòa vào dòng người viếng Bác tại Hội trường Ba Đình. Cả một hội trường mênh mông đầy những vòng hoa, những tiếng nức nở nghẹn ngào của người lớn hòa cùng tiếng khóc vỡ òa của các em thiếu nhi, những giọt lệ lăn dài trên má những cụ cao niên… mùi trầm hương ngào ngạt lan tỏa trong điệu nhạc buồn… Người nằm đó, vầng trán thanh thản như vừa thiếp đi sau một ngày làm việc căng thẳng… Dưới chân Người là đôi dép cũ nặng công ơn… Ai cũng cố ngoái lại để ghi tạc hình ảnh của Người vào tâm khảm. Thế mà đã 42 năm! Lần viếng Bác năm ấy, tôi mới tròn 20 tuổi, là sinh viên năm thứ 3 một trường đại học ở miền Bắc. Đến nay tôi đã gần tuổi 62. Bốn mươi năm qua và cho đến tận bây giờ tôi vẫn tận tụy với nghề trồng người như Bác dạy. Tôi vẫn luôn tự nhủ: Phải dạy thế nào để các con học sinh các thế hệ luôn yêu quý Bác, ghi nhớ công lao trời biển của Bác với dân tộc và học tập đạo đức sáng ngời của Bác; phải sống sao cho xứng đáng là một người con của quê hương Người….
Sau khi viếng Bác, chúng tôi lại đi trên con đường xoài hoa trắng nắng đu đưa râm mát, thăm Ao cá Bác Hồ với hàng nghìn con cá khoe sắc thắm hồng. Lại nhớ lại hình ảnh một Ông Tiên tóc bạc áo nâu, chiều chiều vỗ tay gọi cá đến cho ăn mà lòng xúc động khôn tả…
Chúng tôi theo nhau khe khẽ bước lên ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác. Lòng mỗi người vô cùng xúc động trước sự giản dị đến tột bậc trong nơi ở của một vị Chủ tịch BCH TƯ Đảng, Chủ tịch nước. Kim đồng hồ vẫn chỉ 9 giờ 47 phút là thời khắc Bác đã lên đường nhẹ gót tiên, Mác - Lênin thế giới người hiền…. Đó cũng là thời khắc hết sức linh thiêng Người ra đi vào cõi vĩnh hằng sau đúng ngày cách đó 24 năm Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).
Thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi xúc động xem những hình ảnh, những thước phim tư liệu dõi theo chân Bác từ lúc dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), đến ngày ra đi tìm đường cứu nước ở Bến cảng Nhà Rồng của Sài Gòn cách đây vừa tròn 100 năm, chợt nhớ tới câu hát Từ thành phố này Người đã ra đi... Ngày nay thành phố đã được mang tên con người Việt Nam đẹp nhất: Hồ Chí Minh.
Sau đúng 30 năm đi hết góc biển chân trời để tìm hình của nước, Người mới đặt chân trở lại mảnh đất địa đầu Tổ quốc - Pắc Bó (Cao Bằng). Người đã hôn lên mảnh đất yêu quý của Tổ quốc mình sau gần nửa đời bôn ba trên xứ người để chỉ sau đó 4 năm đã lãnh đạo Đảng ta chỉ với hơn 5.000 đảng viên đã cùng hàng triệu người Việt Nam làm lên cuộc Cách mạng dân tộc Dân chủ vĩ đại nhất ở Đông Nam châu Á: Cách mạng Tháng Tám. Sau đó 9 năm, vào ngày 7-5-1954, Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã chỉ đạo quân và dân ta làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Kể từ đó Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng chiến thắng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cũng sau mốc son lịch sử Bác đặt chân lên quê hương Cách mạng đó 34 năm, chiến dịch mang tên một con người Việt Nam đẹp nhất - Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - đã đưa Việt Nam toàn thắng trước một đế quốc hùng mạnh nhất thời đại ngày nay, giành trọn vẹn thống nhất cho cả non sông Việt Nam ngàn lần yêu dấu.
Đầu năm 2011 này, cả nước ta đón nhận một sự kiện lịch sử: Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về nước để nhen nhóm lên ngọn lửa Cách mạng dựng nên Cộng hòa và sau đó Bác Hồ cùng Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân ta làm cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn bốn năm qua, thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều gương điển hình tiên tiến trong tất cả các tầng lớp nhân dân: từ các lực lượng vũ trang đến các cơ quan, nhà máy, trường học, bệnh viện... Điều đó cho thấy sức lan tỏa của tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, tư tưởng của Người vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động của nhân dân ta, đưa nước ta đến một tương lai xán lạn, mặc dù Người đi vào cõi vĩnh hằng đã tròn 42 năm! Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện suốt 81 năm qua đã mở ra một hướng đi cụ thể cho đất nước, cho dân tộc trong giai đoạn mới. Chắc chắn nhân dân ta sẽ phát huy Tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, hội nhập và phát triển để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sừng sững và uy nghiêm giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử chính là biểu tượng cao đẹp nhất mà cả dân tộc ta và nhân loại tôn vinh một vĩ nhân đã cả một đời vì nước vì dân để lại tấm gương sáng ngời cho muôn đời con cháu. Cứ mỗi độ hè về - kỷ niệm sinh nhật Người và thu sang - kỷ niệm ngày Người mãi đi xa, chúng ta vào lăng viếng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Người... Âu đó cũng là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt dành cho một con người vĩ đại đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Chân lý giản đơn của Người Không có gì quý hơn độc lập, tự do, tư tưởng của Người là tài sản tinh thần vô giá để lại cho dân tộc ta, là kim chỉ nam và là ngọn đuốc thiêng soi đường cho dân tộc ta trong thời đại vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh...
Tình Bác sáng đường ta đi. Tình Bác sáng đời ta....