Thoát án chung thân, Huỳnh Ngọc Sĩ lãnh án tổng cộng 26 năm tù

Pháp luật - Ngày đăng : 17:17, 01/09/2011

(HNMO) - Sau hai ngày xét xử, ngày 1-9, phiên tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ - nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông- Tây và Môi trường nước TP.HCM) 20 năm tù về tội “nhận hối lộ”.

Theo HĐXX, xét tình tiết giảm nhẹ là gia đình bị cáo đã nộp số tiền 3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, nên HĐXX thuộc TAND tối cao đã giảm nhẹ mức án chung thân xuống 20 năm tù đối với bị cáo này. Như vậy, cộng thêm mức án 6 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà ông Sĩ bị tuyên phạt trước đó về sai phạm trong công tác quản lý tài chính của tiền thuê một phần trụ sở BQL dự án Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM ở đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3, thì bị cáo này phải chấp hành hình phạt tổng cộng là 26 năm tù.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ thoát án chung thân nhưng phải trả giá 26 năm tù cho 2 tội danh


Theo cáo trạng, để được trúng thầu, ký hợp đồng thực hiện các dự án có sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, trong đó có các gói thầu tư vấn thiết kế và gói thầu tư vấn giám sát của dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM, các quan chức của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (gọi tắt là PCI) đã bàn bạc, thống nhất với nhau biện pháp đưa hối lộ cho các quan chức Việt Nam phụ trách dự án. Lúc này ông Sĩ giữ chức vụ Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM, là người có quyền quyết định, nên được các quan chức PCI nhắm đến.

Sau nhiều lần thương lượng, ông Sakano và ông Sakashita (cựu quan chức PCI) đã thỏa thuận, thống nhất đưa hối lộ 10% giá trị của hợp đồng tư vấn thiết kế (tương đương 900.000 USD) và 11% giá trị hợp đồng tư vấn giám sát (tương đương 1,7 triệu USD) cho ông Sĩ. Đến trưa ngày 28-5-2003, tại phòng làm việc của ông Sĩ ở BQL dự án, hai quan chức PCI là Sakano Tsuneo và Takasu Kunio đã đưa hối lộ cho ông Sĩ số tiền 262.000 USD và không quên kèm theo lời nhắc: “Xin ông hãy ký hợp đồng bổ sung càng sớm càng tốt”. Ông Sĩ đáp lại: “đồng ý”.

Tại các phiên tòa, ông Sĩ cũng như luật sư biện hộ yêu cầu HĐXX cần xem lại tính hợp pháp của những tài liệu phía Nhật Bản cung cấp làm nguồn chứng cứ kết tội ông. Tuy nhiên cơ quan tố tụng đều có chung nhận định là chứng cứ do phía Nhật Bản cung cấp là đúng luật định, phù hợp với luật tương trợ tư pháp giữa 2 nước và Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam. Về tình tiết các quan chức PCI rút tiền từ ngân hàng, đưa hối lộ cho ông Sĩ, HĐXX nhận định, qua lời khai của các cựu quan chức PCI, kết quả điều tra của cơ quan CSĐT Bộ Công an là có cơ sở.

Mặc dù tại các phiên xét xử ông Sĩ đều một mực kêu oan nhưng HĐXX nhận định, việc nhận tiền của ông Sĩ từ các quan chức PCI là mục đích làm lợi cho PCI. Cụ thể, trong quyền hạn của mình, ông Sĩ đã đề xuất mức lương cho các chuyên gia nước ngoài cao bất thường, và trong việc chọn nhà thầu thì ông Sĩ có chủ định chọn công ty PCI làm nhà thầu. Tuy nhiên, theo lời khai của các cựu quan chức PCI thì họ đã tổng cộng 7 lần đưa hối lộ cho ông Sĩ, nhưng đến nay cơ quan CSĐT chỉ chứng minh được một lần “đi đêm” của ông Sĩ với các cựu quan chức PCI.

Trên cơ sở xem xét đầy đủ nhiều khía cạnh của vụ án, HĐXX tuyên phạt ông Sĩ 20 năm tù về tội “nhận hối lộ”. Ngoài ra, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phan Thị Lịch Sa (vợ bị cáo Sĩ) yêu cầu giải tỏa lệnh kê biên hai căn nhà và sửa bản án sơ thẩm, nhưng HĐXX ngày 1-9 chỉ tuyên giải tỏa lệnh kê biên nhà số 37 Bàn Cờ, quận 3, còn nhà số 350 Võ Văn Tần, quận 3 và vẫn duy trì lệnh kê biên nhằm đảm bảo thi hành án.

Mai Khuê