Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2011
Chính trị - Ngày đăng : 11:23, 01/09/2011
Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo
Theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo có hiệu lực từ 1/9/2011, nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
Chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân
Theo Thông tư liên tịch số 5/2011/TTLT-BCA-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 54/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an nhân dân, nếu những thân nhân này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc thì được cấp thẻ BHYT. Mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định tại thời điểm mua thẻ BHYT thay cho mức 3% như quy định hiện nay tại Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BCA-BTC.
Trường hợp thân nhân của chiến sĩ, hạ sĩ quan bị tử vong, mất tích được trợ cấp khó khăn mức 600.000 đồng/suất. Trường hợp cùng một thời điểm hạ sĩ quan, chiến sĩ có nhiều thân nhân đủ điều kiện trợ cấp khó khăn, thì được trợ cấp tương ứng với các mức nêu trên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 16/9/2011.
Tăng trần lệ phí trước bạ ô tô dưới 10 chỗ
Theo Nghị định 45/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2011, mức trần lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi sẽ tăng từ 15% lên 20%.
Căn cứ quy định mới này, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Công khai bản Kê khai tài sản trong cơ quan làm việc
Có hiệu lực thi hành từ 30/9/2011, Nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai Bản kê khai tài sản thu nhập.
Việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định.
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên làm việc.
Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31 tháng 12 đến ngày 31 tháng 3 của năm sau, nhưng phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.
Đối với công chức bị kết luận là không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương; giáng chức; cách chức.
Không sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy làm biểu tượng Trung tâm trọng tài thương mại
Theo Nghị định 63/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại, tên của Trung tâm trọng tài được viết bằng tiếng Việt do các sáng lập viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Trung tâm trọng tài” và không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các Trung tâm trọng tài khác đã được cấp Giấy phép thành lập, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong trường hợp Trung tâm trọng tài có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên gọi đó phải là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, và cũng không được trùng, không gây nhầm lẫn với tên của tổ chức trọng tài khác đang hoạt động tại Việt Nam.
Trung tâm trọng tài có thể có biểu tượng, nhưng không được sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam làm biểu tượng của mình.
Tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn
Theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP, thành phố thuộc tỉnh được thành lập khi đạt 10 tiêu chuẩn: Đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị loại III trở lên; quy mô dân số đạt từ 150.000 người trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cùng cấp trực thuộc đạt từ hai phần ba trở lên;...
Các tiêu chuẩn để thị trấn thuộc huyện được thành lập gồm: Đã được cấp có thẩm quyền công nhận là đô thị V; quy mô dân số 4.000 người trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 65% trở lên so với tổng số lao động; thời gian xây dựng đồng bộ từ 1 năm trở lên;...
Phạt hành chính phương tiện thủy nội địa không trang bị dụng cụ cứu sinh
Theo Nghị định 60/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2011, phương tiện thủy nội địa nếu có hành vi không trang bị một trong các loại thiết bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, neo đậu, liên kết phương tiện theo quy định sẽ bị phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng, chưa kể phải áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả.
Phạt tiền từ 3- 5 lần giá vé trên mỗi hành khách chở vượt quá số người được phép chở đối với phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, phương tiện vận chuyển hành khách du lịch.
Phạt tiền 1% giá trị hợp đồng trên mỗi hành khách chở vượt quá số người được phép chở đối với phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng.
Quy định mới về cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007, có 3 đối tượng được cổ phần hóa gồm: 1- Công ty (Cty) TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế; Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước); 2- Cty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là DN thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3- DN 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành Cty TNHH một thành viên.
Các DN trên thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện: Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ (Danh mục DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ) và còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị DN.
Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN mà giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả, thay vì thực hiện phương án bán hoặc giải thể, phá sản như quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP, thì Nghị định mới ban hành nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa chỉ đạo DN phối hợp với Cty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của DN xây dựng phương án tái cơ cấu DN; trường hợp phương án tái cơ cấu DN không khải thi và hiệu quả thì chyển sang các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
Phạt nặng hành vi gửi chất độc, vật phẩm đe dọa người khác
Theo Nghị định 58/2011/NĐ-CP, phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát những vật phẩm, hàng hóa gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh nhằm khủng bố, xâm hại tính mạng, tài sản công dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát những vật phẩm, hàng hóa có nội dung đe dọa, quấy rối, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Mức phạt tiền hành chính cao nhất từ 50 - 70 triệu đồng theo Nghị định được áp dụng đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Công ty hoa tiêu trực tiếp thu phí hoa tiêu hàng hải
Theo Nghị định số 49/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định 173/2007/NĐ-CP quy định cơ chế tài chính đối với hoạt động của hoa tiêu hàng hải, kể từ ngày 1/9/2011, phí hoa tiêu hàng hải sẽ do các công ty hoa tiêu trực tiếp thu phí thay vì các cảng vụ hàng hải thu như quy định tại Nghị định 173/2007/NĐ-CP ngày 28/11/2007.
Phí hoa tiêu hàng hải vẫn là nguồn thu thuộc ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, về chủ thể thu phí, thay vì Cảng vụ hàng hải thu và nộp vào ngân sách nhà nước thì theo quy định mới, các công ty hoa tiêu trực tiếp thu phí hoa tiêu hàng hải.
Nguồn kinh phí để thanh toán dịch vụ hoa tiêu hàng hải được lấy từ nguồn thu phí hoa tiêu hàng hải và được bổ sung từ nguồn ngân sách nhà nước.