Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Xã hội - Ngày đăng : 14:00, 31/08/2011

Theo Quyết định 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững, có công nghệ tiên tiến, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững, có công nghệ tiên tiến

Theo Quyết định 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững, có công nghệ tiên tiến, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Cuối năm 2015, hoàn thành chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay

Theo Quy hoạch này, các dự án xi măng đầu tư mới (ký hợp đồng cung cấp thiết bị từ ngày Quyết định 1488/QĐ-TTg có hiệu lực - 29/8/2011) có công suất lò nung từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên, phải đầu tư ngay hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, trừ các dây truyền sản xuất xi măng sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nhiên liệu.

Đối với các nhà máy xi măng đang hoạt động, các dự án xi măng đăng triển khai đầu tư nhưng đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị trước ngày 29/8/2011 phải hoàn thành đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện trước năm 2015.

Đối với các nhà máy xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clanhke/ngày, khuyến khích nghiên cứu đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.

Đến cuối năm 2015 hoàn thành chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay.

Hạn chế đầu tư dự án xi măng ở vùng khó khăn, ảnh hưởng đến di sản văn hóa, du lịch

Về bố trí quy hoạch, ưu tiên đầu tư các dự án xi măng ở các tỉnh phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông.

Đồng thời, hạn chế đầu tư các dự án xi măng ở những vùng có khó khăn về nguyên liệu, ảnh hưởng đến các di sản văn hóa, phát triển du lịch.

Dự báo nhu cầu xi măng năm 2011 là 54 - 55 triệu tấn; năm 2015 là 75 - 76 triệu tấn; năm 2020 là 93 - 95 triệu tấn; năm 2030 đạt 113 - 115 triệu tấn.

Giai đoạn 2011 - 2015, dự kiến có 32 dự án xi măng vận hành; 22 dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020; 6 dự án xi măng định hướng đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030.

Theo VGP News