Huyện Mỹ Đức:Hỗ trợ nông dân thoát nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 31/08/2011

(HNM) - Là địa bàn thuần nông, dịch vụ, công nghiệp còn nhiều hạn chế, huyện Mỹ Đức xác định, nếu không có các giải pháp đồng bộ thì rất khó để người dân thoát nghèo bền vững và việc tái nghèo rất dễ xảy ra...


Những diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả ở huyện Mỹ Đức được chuyển đổi làm trang trại cho năng suất cao. Ảnh: Bá Hoạt


Thời gian qua, nhờ nguồn tín dụng ưu đãi, hàng chục ngàn hộ nông dân ở Mỹ Đức đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong quá trình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đặt điểm giao dịch tại các xã để thuận tiện cho việc giải ngân, thu nợ, thu lãi, tạo thuận lợi cho người vay vốn, đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực; từ đó nâng chất lượng dịch vụ ủy thác cho vay của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Chất lượng tín dụng được nâng lên, nợ quá hạn giảm. Tính đến nay, huyện có gần 17.000 hộ được tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình, trong đó cho vay hộ nghèo là 7.221 hộ. Nhờ tiếp cận được nguồn vay ưu đãi của NHCSXH huyện với dư nợ tín dụng gần 100 tỷ đồng mà nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Đánh giá hiệu quả đồng vốn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hậu nhận định: Cùng với các kênh vốn khác, tín dụng ưu đãi đã làm tốt vai trò chuyển tải vốn đến các đối tượng, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa mức sống thành thị và nông thôn. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, công tác xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải có sự tham gia quản lý, điều hành của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực đúng mức của từng đối tượng.

Ông Vũ Minh Siêu, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết: Toàn xã có 9 thôn thì có tới một nửa nằm ven núi, đất "hai lúa" rất ít, đời sống người dân trước đây sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi từ rừng nên khó khăn. Được huyện quan tâm đầu tư quy hoạch các vùng chuyển đổi từ cấy lúa bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm, hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật nên nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2009 toàn xã có 24% số hộ trong diện nghèo thì trong 2 năm 2009-2010 đã giảm được hơn 10%. Kinh nghiệm rút ra của địa phương là phải tập trung rà soát hộ nghèo, phân loại từng đối tượng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Phần lớn các hộ nghèo đều do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất trong khi không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và ngân hàng NN&PTNT bởi lãi suất quá cao, nếu vay để chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp thì khó có hiệu quả. Do đó, nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện, với mức vay chỉ từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi hộ nhưng cũng đã góp phần tích cực trong việc giải cơn khát vốn của các hộ nghèo, giúp họ từng bước cải thiện đời sống.

Phát triển nông nghiệp gắn với đào tạo nghề

Trao đổi về công tác xóa nghèo bền vững ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp huyện đã được định hình từ lâu, thời gian qua bắt đầu phát huy hiệu quả do Mỹ Đức đẩy mạnh đầu tư nhiều mặt, từ việc xây dựng phương thức quản lý đến việc ổn định cơ chế, chính sách cụ thể với các chương trình thâm canh lúa cải tiến SRI, gieo lúa theo hàng bằng công cụ, lúa chất lượng cao… với hơn 6.000ha. Trong chăn nuôi, huyện xác định tập trung phát triển toàn diện cả gia súc, gia cầm, thủy đặc sản theo mô hình trang trại gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, phục vụ nhu cầu của thị trường các địa phương lân cận và khách du lịch đến tham quan chùa Hương. Ngoài ra, huyện còn có 2.717ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng 2.100 tấn/vụ.

Xác định tiểu thủ công nghiệp và dạy nghề cho nông dân là tiền đề tạo bước đột phá cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, UBND huyện khuyến khích phát triển hai lĩnh vực này. Để khơi dậy tiềm năng hằng năm, huyện đều mở các lớp khuyến công, đào tạo nghề (trung bình 15-20 lớp, cho khoảng 1.000-1.500 học viên). Với một số huyện ven đô, sản xuất gia công các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp cho thu nhập 40.000-50.000 đồng/ngày đối với mỗi lao động là chuyện bình thường, thậm chí còn chưa thu hút được người lao động, song với đa phần nông dân ở các xã thuần nông trên địa bàn Mỹ Đức thì đó là nguồn thu nhập đáng kể và là kết quả phản ánh những cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền. Mặt khác, UBND huyện còn phối hợp chặt chẽ với các DN trên địa bàn thành phố tổ chức tạo điều kiện cho người dân địa phương gia công một số công đoạn trong sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.

Để giúp người dân có thể thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, ông Nguyễn Văn Chắt, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Mỹ Đức kiến nghị: Hiện nay, nhu cầu vốn vay rất lớn nhưng nguồn vốn của NHCSXH còn hạn hẹp, lệ thuộc vào khả năng cấp bù của ngân sách nhà nước. Mức vay dù đã được nâng lên đáng kể, nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất gần, nên để tiếp cận với tín dụng thương mại là điều khó khăn đối với đối tượng cận nghèo. Đây là những vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới.

Bạch Thanh