Giao đất đã 7 năm vẫn chưa được nhận
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:56, 31/08/2011
Phần đất gia đình bà Tháp đang sử dụng tại tổ 4, phường Phú La. |
Năm 1994, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 169/QĐ-UB thu hồi 5.871m2 đất của Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Phú, xã Văn Khê (nay là phường Phú La) giao cho Nhà máy Liên hợp thực phẩm chia lô cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở. Sau đó, Nhà máy Liên hợp thực phẩm nhượng lại một phần đất cho Cục Thuế Hà Tây và việc này đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ chấp thuận. Tháng 6-1996, các cơ quan chức năng thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông) bàn giao mốc giới tại thực địa, 2 đơn vị đã nhận đủ, đúng diện tích và mặt bằng không bị lấn chiếm. Sau đó, Cục Thuế quy hoạch thành 14 lô và mới giao được 11 lô, còn 3 lô (148m2) chưa giao, vì phải đợi kết quả phúc tra của cơ quan có thẩm quyền về đối tượng, điều kiện giao đất ở của đơn vị. Đầu năm 2004, Hội đồng xét duyệt nhà ở, đất ở của tỉnh Hà Tây đã họp, xem xét và thấy các hộ đều đủ điều kiện được giao đất. Tuy nhiên, 3 lô đất còn lại của Cục Thuế đã bị hộ ông Nguyễn Hương Quyền và bà Lê Thị Tháp lấn chiếm.
Năm 2009, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục có công văn gửi UBND quận Hà Đông, đề nghị giao mặt bằng "sạch" cho 3 hộ là cán bộ của cơ quan. Để có căn cứ, UBND phường Phú La đã tổ chức đo lại hiện trạng sử dụng đất của hộ ông Quyền, bà Tháp. Thế nhưng, cũng như những lần trước, 2 gia đình vẫn có thái độ bất hợp tác. Cuối năm 2010, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai. Đại diện lãnh đạo phường, tổ dân phố, các đoàn thể đã nhiều lần đến thuyết phục, vận động gia đình bà Tháp, ông Quyền, nhưng 2 hộ vẫn không tự tháo dỡ phần vi phạm, buộc UBND quận Hà Đông phải ra quyết định cưỡng chế. Giữa tháng 8-2011, nhận thức được sự việc, ông Quyền đã tự giác tháo dỡ, trả lại phần đất lấn chiếm cho Cục Thuế, còn hộ bà Tháp vẫn không chấp hành.
Theo bà Tháp, năm 1973 bà nhận chuyển nhượng đất của ông Nguyễn Văn Hiền, nhưng không đo diện tích cụ thể. Năm 1983, bà Tháp chuyển nhượng cho ông Quyền 120m2 và sinh sống ổn định trên phần đất còn lại. Khi các cơ quan chức năng cắm mốc giới cho Nhà máy Liên hợp thực phẩm và Cục Thuế không cắm vào đất của gia đình bà; quá trình sử dụng bà vẫn nộp thuế nhà, đất với diện tích 300m2. Đối chiếu với các tài liệu hiện đang lưu giữ tại địa phương, đại diện UBND phường Phú La cho biết: Gia đình bà Tháp trình bày không thống nhất về diện tích sử dụng, bởi có lúc là 300m2, khi lại hơn 400m2… Trong khi đó, giấy nhận chuyển nhượng đất năm 1973 của bà Tháp chỉ ghi 280m2, chưa kể năm 1983 bà đã bán 120m2 cho ông Quyền? Từ năm 1997 đến năm 2005, gia đình bà nộp thuế nhà đất với diện tích luôn biến động: 140m2, 80m2, 300m2? Còn tại bản đồ và sổ mục kê qua các năm, diện tích sử dụng thực tế của bà Tháp luôn tăng trưởng: năm 1985 là 146m2; năm 1998 là 182m2 và theo số liệu kiểm tra thực tế năm 2006 là 332,4m2. Năm 2009, sau nhiều lần đo đạc, kiểm tra thực tế, diện tích lấn chiếm của bà Tháp vào đất của Cục Thuế là 70,5m2. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông khẳng định: Quá trình xác định diện tích lấn chiếm của gia đình bà Tháp, các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng trình tự, các kết luận giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật cũng như thực tế, không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bà Tháp. Hiện nay hồ sơ cưỡng chế đối với gia đình bà Tháp đã hoàn tất, nhưng chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể vẫn đang cố gắng thuyết phục thêm để người vi phạm tự giác thực hiện; nếu bà Tháp không chấp hành, UBND quận sẽ thực hiện cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm trong thời gian sớm nhất.
Sự việc trên cho thấy, các cơ quan chức năng rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm giữ sự ổn định trên địa bàn, song với người cố tình không chấp hành quy định của pháp luật, UBND quận Hà Đông cần sớm thực hiện các biện pháp cứng rắn cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người được giao đất.