Dự án cầu Phú Mỹ: Thu chưa đủ bù chi
Kinh tế - Ngày đăng : 06:53, 31/08/2011
Thu không đủ chi
Công trình cầu Phú Mỹ có tổng đầu tư khá lớn, tới hơn 3.400 tỷ đồng, được xây dựng theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ách tắc giao thông khu vực phía Đông TP, đặc biệt là sẽ hạn chế lưu lượng xe tải đi qua trung tâm TP.
Cầu Phú Mỹ rất ít xe qua lại. |
Theo hợp đồng BOT ký kết giữa UBND TP Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) thì PMC tự huy động vốn từ các quỹ tín dụng để xây cầu, khi cầu hoàn tất sẽ tiến hành thu phí trong thời gian ít nhất là 26 năm để hoàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, dù đã chính thức thu phí cách đây hơn 1 năm (ngày 1-4-2010) nhưng câu chuyện thu phí của cây cầu này vẫn là vấn đề làm đau đầu chủ đầu tư, bởi lượng xe qua cầu quá ít so với dự kiến. Hiện mỗi ngày số lượng xe qua lại cầu Phú Mỹ chỉ khoảng 5.000 lượt, quá ít so với dự kiến ban đầu (30.000- 35.000 lượt xe/ngày) nên phí thu được không thể đủ để trả nợ vốn vay và lãi ngân hàng.
Lý giải nguyên nhân tình trạng này, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, cho biết: Khi tiến hành dự án, UBND TP đã cam kết khi cầu Phú Mỹ đi vào khai thác thì sẽ để cây cầu này đảm nhận toàn bộ luồng xe tải nặng qua tuyến đường vành đai phía Đông TP; theo đó sẽ phân luồng giao thông theo hướng hạn chế tối đa xe tải nặng đi qua trung tâm TP theo các tuyến đường qua cầu Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ và kể cả hầm Thủ Thiêm sau này. Đến nay, điều kiện này vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, việc đường vành đai phía Đông kết nối với cầu Phú Mỹ đến nay vẫn chưa hoàn thiện cũng đã hạn chế lưu lượng xe đi lại trên đường này để qua cầu Phú Mỹ.
Trắc trở BOT
Cầu Phú Mỹ trong quá trình triển khai dự án đã phải xin điều chỉnh vốn đến 3 lần: từ 1.806 tỷ đồng lên 2.077 tỷ đồng và nay tiếp tục tăng thành 3.402 tỷ đồng. Dự án kéo dài, trượt giá, chi phí tăng… đã đẩy chi phí trả lãi vay của dự án theo cấp số nhân. Đến nay, việc thu phí qua cầu quá ít càng làm nguồn vốn trả nợ rơi vào thế khó. Mới đây, PMC đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho được giãn nợ hoặc cho vay 1.000 tỷ đồng để trả nợ trong 5 năm tới, hoặc công ty sẽ bàn giao lại cầu Phú Mỹ cho TP. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được phản hồi.
Dự án BOT cầu Phú Mỹ mới chỉ là một trong nhiều dự án đang gặp rắc rối bởi hạ tầng thiếu đồng bộ, dẫn tới tình trạng thu không đủ chi. Theo các doanh nghiệp tham gia đầu tư, khi bắt tay vào thực hiện một dự án BOT, chủ đầu tư đã tính toán kỹ về tổng mức đầu tư và khả năng thu hồi vốn. Thời gian thu phí giao thông hoàn vốn đầu tư của một dự án BOT được xem là khả thi thường kéo dài không quá 25 năm. Đây cũng chính là cơ sở để các ngân hàng cho chủ đầu tư vay 70% vốn đầu tư. Vì vậy, có thể xem như việc hạ tầng thiếu đồng bộ là nguyên nhân chủ yếu khiến cho chủ đầu tư thua lỗ.
Để lấy lại vốn và trả nợ, nguồn thu chính của chủ đầu tư là thu phí BOT, và đây cũng là nguyên nhân chính của mọi vấn đề tranh cãi của hình thức huy động vốn này. Hiện, bên cạnh hạ tầng thiếu đồng bộ, các dự án khác huy động nguồn vốn từ xã hội hóa cũng còn gặp một số vướng mắc thuộc về cơ chế đầu tư như BOT Huỳnh Tấn Phát (Nam Sài Gòn), BOT Bình Triệu, BOT Xa lộ Hà Nội…
Theo quy định của Bộ Tài chính, các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70km. Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân không phải đóng phí quá nhiều. Thế nhưng, quy định này lại… mâu thuẫn với chủ trương xây dựng các công trình huy động vốn bằng hình thức xã hội hóa. Mâu thuẫn ở chỗ, mỗi năm TP Hồ Chí Minh cần khoảng 38.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi nguồn ngân sách chỉ có 8.500 tỷ đồng. Nhu cầu đầu tư các công trình trọng điểm rất lớn nhưng do nguồn vốn hạn chế nên việc kêu gọi đầu tư là ưu tiên. Tuy nhiên, khi xây dựng bằng các hình thức BOT thì dẫn đến tình trạng "phí chồng phí", khiến người dân phải chi tiền quá nhiều. Các phương tiện đi vào trung tâm TP quãng đường 30km có thể bị thu 2-3 lần phí, với hệ thống 6 trạm thu phí bao quanh TP, gồm trạm cầu Bình Triệu (trên quốc lộ 13), Xa lộ Hà Nội, An Sương - An Lạc, Kinh Dương Vương, cầu Phú Mỹ và trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, một trong các giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng là tìm kiếm vốn từ nhiều nguồn khác nhau, như vốn hỗ trợ phát triển (ODA), các hình thức đầu tư BOT, BT và nhất là hợp tác công tư (PPP) mà TP đang kết hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư triển khai thí điểm. Tuy nhiên, như ông Cường cho biết, "cho đến thời điểm hiện nay, nhiều nỗ lực của TP đang bị chậm lại bởi thực tế đã phát sinh những vấn đề mới mà chính các quy định về xã hội hóa trước kia lại đang trở thành lực cản".