Đạo diễn Nhuệ Giang: Tin vào “Tâm hồn mẹ”
Giải trí - Ngày đăng : 06:44, 31/08/2011
Lấy bối cảnh bãi sông Hồng và cây cầu Long Biên cổ kính, "Tâm hồn mẹ" vẽ nên một bức tranh về cuộc sống của những con người nghèo khổ sống tại nơi đây qua câu chuyện của hai mẹ con Lan và Thu. "Tôi muốn lưu lại hình ảnh của một Hà Nội tảo tần, lam lũ, một Hà Nội chưa bị đô thị hóa, chưa bị cấp tập như bây giờ. Tôi biết nhiều người còn vương vấn, khôn nguôi nhớ về một Hà Nội trầm lắng, ân tình, tuy cũng có xô bồ nhưng vẫn bao dung, hiền hòa" - Phạm Nhuệ Giang nói về bộ phim truyện nhựa mới nhất của mình.
Cảnh trong phim “Tâm hồn mẹ”. |
Phim mở đầu bằng cảnh một phiên chợ sáng sớm tấp nập, sầm uất dưới chân cầu Long Biên. Lan (Hồng Ánh đóng) là một bà mẹ đơn thân nghèo khổ, mưu sinh với nghề bán trái cây dạo. Tình yêu của Lan dành cho chàng trai lái xe chở hàng trong khu chợ đã khiến cô trở nên mù quáng, không biết quan tâm săn sóc cho Thu, cô con gái nhỏ. Tuy chỉ mới khoảng 10 tuổi nhưng Thu đã sớm nếm trải những hương vị cay, đắng, ngọt, bùi của cuộc đời và bản năng làm mẹ đã rất mạnh mẽ.
"Tâm hồn mẹ" giống như những lát cắt nhỏ đầy cảm xúc về những số phận nghèo. Phim đem tới nhiều góc nhìn khác nhau, từ vẻ đẹp êm ả, nên thơ của cầu Long Biên dưới ánh hoàng hôn, những bờ lau rì rào trong gió, cho tới những hình ảnh xơ xác, tiêu điều trong cuộc sống của những con người sống trong những ngôi nhà tạm ở bãi giữa. Trong điều kiện sống khắc nghiệt ấy, nhưng đứa trẻ vẫn phải lớn lên và sớm mưu sinh, bươn chải…
10 năm sau thành công của "Thung lũng hoang vắng", Phạm Nhuệ Giang mới quay trở lại với điện ảnh. Ban đầu, chị muốn tìm một gương mặt mới để thể hiện vai người mẹ, nhưng sau cùng, Hồng Ánh vẫn là lựa chọn của chị. Mặc dù mô-típ nhân vật người mẹ trong "Tâm hồn mẹ" không mới, nhưng diễn xuất của Hồng Ánh lại đem đến một hình ảnh mới gây xúc động cho khán giả.
Không bám theo nguyên tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chỉ đưa lên màn ảnh một phần nhỏ là mối quan hệ đặc biệt giữa hai đứa trẻ Thu và Đăng. Tuyến chuyện về người mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự đa chiều cho bộ phim. Sự mâu thuẫn giữa hai hình ảnh người mẹ (Lan) và cô con gái (Thu) cũng được xây dựng rõ nét. Nếu như người mẹ nhạy cảm, yếu đuối bao nhiêu thì cô con gái lại mạnh mẽ, cứng cỏi bấy nhiêu.
Trong phim, đạo diễn Nhuệ Giang sử dụng nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ để khắc họa cuộc sống của những con người nghèo khổ, lam lũ. Vẻ đẹp thiên nhiên đầy tươi đẹp tương phản với sự khắc nghiệt, cô đơn trong không gian mênh mông rộng lớn của bãi giữa làm nên chất trữ tình cho bộ phim. "Tâm hồn mẹ" đem lại cho người xem nỗi buồn man mác và những dư vị ngọt, đắng về cuộc đời, về tình mẫu tử, về bản năng sinh tồn của những đứa trẻ dù sống trong những điều kiện khắc nhất.