Bài 4: Thuyền của má Mười Rìu

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 31/08/2011

(HNM) - Bước sang tuổi 92, da nhăn, mái tóc bạc trắng, má Mười Rìu nắm tay tôi ân cần: Các con đã về đấy ư? Tôi xoa bàn tay lấm tấm vết đồi mồi của má Mười nói khẽ: "Dạ, chúng con từ Hà Nội vào đây thăm má, thăm các anh một thời vượt biển ra Bắc xin vũ khí bằng chiếc tàu không số má đã tự bỏ tiền ra mua". Trầm ngâm giây lát, má Mười mắt ngấn lệ nói: "Đất nước hòa bình má mãn nguyện lắm rồi. Chỉ thương thằng Lê Hà con má, già rồi nhưng vẫn khổ, nó luôn phải nghĩ ngợi trong nỗi buồn, day dứt"…

Câu chuyện về một chiếc thuyền đặc biệt

Chúng tôi về thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào một buổi chiều trời mưa xối xả. Ở cái thị trấn bé nhỏ, nằm ven bờ biển này, chẳng mấy ai không biết đến má Mười Rìu. Chị bán quầy thực phẩm gần chợ Phước Hải nói với tôi:

- Độ này má Mười yếu lắm rồi anh ạ. Má tốt, cả đời vất vả lo toan, một lòng đi theo cách mạng.

Má Mười Rìu.

Không dám nấn ná thêm, tôi vội tìm vào trong xóm. Căn nhà tình nghĩa Bộ Tư lệnh Hải quân mới xây tặng má vẫn thơm mùi vôi mới. Gian giữa, ngay kế bên giường nằm, má thờ ảnh chồng cùng nhiều tấm bằng Tổ quốc ghi công. Dù rất muốn nói, má Mười Rìu cũng chỉ thổn thức được vài câu:

- Cả cuộc đời, má chỉ còn lại Lê Hà và những thứ này đây. Năm 1994, má được ra thăm miền Bắc, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, má toại nguyện rồi. Giờ có nhắm mắt cũng không tiếc chi nữa.

Tôi và ông Nguyễn Sơn (cựu chiến binh Đoàn tàu không số của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khẽ đỡ má nằm xuống.

Vừa nắn tay cho má, ông Sơn vừa kể câu chuyện huyền thoại cách đây 50 năm.

Hồi đó, chú Thiều, chồng má Mười là Bí thư xã Bình Châu. Một hôm, ông về nói với má: Cấp trên giao nhiệm vụ chuẩn bị thuyền ra Bắc xin vũ khí, vậy mà xã khó khăn quá. Anh Năm nói nhờ bà lo giùm, khi nào có, cấp trên sẽ trả… bà tính sao?

Má Mười vội nhẩm tính trên đầu ngón tay: "Dành tiền để mua một con thuyền không dễ, tui sẽ cố gắng xoay sở, thiếu đâu đi vay, còn lại vận động các gia đình có tình cảm với cách mạng nhờ họ giúp đỡ".

Có bao nhiêu tài sản trong nhà, má Mười mang đi bán hết nhưng vẫn không đủ. Nghĩ mình còn số vàng tư trang là của hồi môn ngày đi lấy chồng, má ngập ngừng. Chiều chồng, phụng sự cách mạng, mơ đến ngày đất nước được giải phóng, má bí mật vào ấp Phước Hải bán hết số nữ trang. Có tiền, má tìm mua ngay một con thuyền đánh cá trọng tải 6 tấn, lắp máy YAMMA 16. Vì là thuyền đánh cá gần bờ nên nó không có mui cũng chẳng có mái. Để dễ dàng hoạt động trong lòng địch, má Mười giao thuyền cho một số bà con ngày ngày đi đánh cá mang về bán. Vừa lo chuẩn bị 6 cái thẻ căn cước hành nghề đánh cá cho 6 thuyền viên, má vừa lo chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho con tàu. Mỗi ngày mua được vài lít dầu, vài cân gạo hay một chút than củi, má Mười lại giấu mang ra căn cứ Lộc An, chôn ở bờ cát ven sông Ray. Để ngụy trang, má tích cóp từng hào mua từng mảnh lưới và tự tay cắt may 6 bộ quần áo kiểu bà ba miền Bắc. Nhiều hôm, má nhịn ăn gói ghém chút lương thực hiếm hoi, dành cho đội thuyền chuẩn bị lên đường. Thấy con trai Lê Hà được chọn là một trong sáu người được lên thuyền ra Bắc, má gọi con vào nói nhỏ:

- Mày được đi theo tàu, má mừng hết sức. Má chỉ lo mày chưa biết bơi, đi biển không dễ… ráng lên con, cố mà tập bơi đi.

Anh Lê Hà chỉ còn cách động viên:

- Má yên tâm, con sẽ tập liền. Có Sơn và anh Nam còn lo chi nữa má.

Sau một thời gian chuẩn bị, con thuyền của má Mười Rìu đã cơ bản hoàn tất. Đúng ngày 27-2-1962, sáu thanh niên ưu tú được lấy từ du kích địa phương đã lên chiếc thuyền gỗ của má Mười Rìu, xuất phát từ bãi biển Hồ Tràm hướng thẳng ra miền Bắc. Trong số sáu người thì Nguyễn Sơn trẻ tuổi nhất nhưng là đảng viên, xã đội trưởng Phước Hải, năm người còn lại là: Thôi Văn Nam, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Trần Minh Hoàng và Lê Hà (con trai má Mười).

Chuyến vượt biển đầy bão táp

Đã 50 năm, cứ mỗi lần nghĩ tới chuyến vượt biển ra Bắc trên con thuyền mong manh của má Mười Rìu, ông Nguyễn Sơn và năm người đồng đội vẫn không khỏi rùng mình. Chính các ông cũng không hiểu "tại sao ngày đó mình lại liều dữ vậy?". Sáu anh em đội thuyền chưa ai có kinh nghiệm đi biển dài ngày, thế mà khi nhận nhiệm vụ, họ vẫn hăm hở lên đường. Vừa ra khơi độ vài ba chục hải lý, gió chướng kéo về, biển động khiến con thuyền chao đảo lật nghiêng. Vừa say sóng, vừa gồng mình chống bão, ông Nguyễn Sơn (phụ trách thuyền) đặt quyết tâm:

- Chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải cố gắng, phải sống để tiếp tục ra Bắc.

Bốn ngày liên tiếp, con thuyền bị sóng gió đánh đến tả tơi, bầm dập. Năm người thay nhau chèo chống, riêng Lê Hà không biết bơi nên nhận nhiệm vụ tát nước từ trong thuyền ra. Chĩnh nước ngọt mang theo chỉ được 20 lít, con thuyền chòng chành khiến chĩnh nước vỡ tan. Không còn nước để uống và nấu cơm, cả sáu con người vừa chịu rét, vừa chịu đói khát. Nhấp ngụm nước biển, tất cả đều phải nhè ra vì mặn chát. Còn 6 hộp sữa má Mười gói ghém mang theo, lúc mệt các anh chỉ dám uống một chút cho lại sức. Đêm thứ 4, chiếc ống xả của con thuyền vỡ nốt, khói dầu tạt vào khiến người nào người ấy mắt mũi cay sè, mặt đen nhẻm. Đến ngày thứ 5, thân thuyền bị vỡ, nước tràn vào không tát kịp nữa. Biết không thể đi tiếp, ông Nguyễn Sơn lệnh cho thuyền hướng sát vào bờ. Vào tới vịnh Cam Ranh, con thuyền gần như chìm.

Gặp thuyền bị nạn, các ngư dân của tỉnh Khánh Hòa thương cảm cho một ít thức ăn và nước uống. Cả sáu người quyết định lên bờ, chờ sửa xong thuyền rồi tiếp tục ra Bắc. Ông Nguyễn Văn Thanh hỏi một người dân chài:

- Ở đây có đồn bốt gì không anh?

Người này nhìn ông Thanh lạ lẫm, không trả lời.

Vừa vùi mấy can dầu và gạo xuống bãi cát ven biển, mọi người hốt hoảng thấy một chiếc ca nô chở đầy lính lao tới bao vây. Ông Nguyễn Sơn nhắc nhở anh em:

- Bình tĩnh nha. Phương án 3 mà trả lời. Cứ khai là dân đánh cá bị lạc, không ai làm gì được mình đâu.

Chẳng cần nghe giải thích, địch bắt tất cả sáu người mang về đồn nhốt. Ngày hôm sau chúng hỏi cung. Dọa dẫm, đánh đập thế nào các thuyền viên vẫn một mực không khai. Chúng bảo, không phải là việt cộng thì sao phải hỏi ở đây có đồn bốt gì không? Lúc này mọi người mới té ngửa mình bị bắt là do câu hỏi ngớ ngẩn lúc thuyền mới cập Cam Ranh. Gần một tháng trời bị nhốt, địch không thể moi được thông tin gì thêm. Sang tuần thứ 4, tên đồn trưởng trực tiếp hỏi cung. Thấy sáu người khai là dân đánh cá Phước Hải, đi đường gặp bão nên bị lạc, tên đồn trưởng (người Vũng Tàu) thấy đồng hương nên rủ lòng thương, ra lệnh thả.

Mừng quá, sáu người quay về nhanh chóng sửa sang con thuyền, bán bớt vài tay lưới, mua thêm dầu và lương thực dự trữ. Rút kinh nghiệm, lần đi này họ đưa lên thuyền cả một phuy to chứa 100 lít nước ngọt. Ai ngờ, khi thuyền ra khơi được nửa ngày, chiếc phuy lại bị thủng đáy, nước chảy hết lúc nào không biết. Thuyền không mui, không mái, trời nắng gắt, anh em khát khô cuống họng. Nước biển không uống được, nước ngọt lại không có, các anh đành uống nước tiểu của chính mình. Ngày đầu, nước tiểu còn dễ ngửi, sang ngày thứ 2 mùi khai nồng, mới ngửi đã muốn ói mửa nhưng các anh đành nhắm mắt uống vì nếu không cả sáu người sẽ chết. Đến ngày thứ 3, nước tiểu cũng không còn nữa, ông Nguyễn Sơn chỉ đạo anh em lấy nước biển đun sôi rồi liếm mỗi người vài giọt hơi nước đọng trên nắp vung. Đúng lúc cả sáu người chỉ còn thoi thóp thở thì đất liền hiện ra. Cố gắng hết sức, lê người xuống bờ, các anh mới nhận ra không phải là miền Bắc. Người ở đây toàn nói tiếng Tây tiếng Tàu gì đó. Qua một người phiên dịch, các anh biết mình đã lạc vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Không còn cách nào khác, đội thuyền đành thú thật "tàu đang đi làm nhiệm vụ bí mật". Sau khi xác minh, phía nước bạn đã giúp sáu thuyền viên về nước an toàn. Tròn 1 tháng 17 ngày, sáu người con ưu tú của vùng Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra tới miền Bắc. Sau chuyến đi này, sáu người trở thành lực lượng tiên phong, nòng cốt trên những con tàu không số, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam, góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Mười lăm năm tham gia vận chuyển vũ khí, ông Nguyễn Sơn 23 lần đi tàu không số, chỉ một lần thất bại; ông Thôi Văn Nam - người mệnh danh là "cá kình biển Đông" tham gia 31 chuyến (17 chuyến tàu không số, 14 chuyến tàu hai đáy). Riêng ông Lê Hà có hơn 10 năm tham gia trên tàu không số. Năm 1972, trong một lần vận chuyển vũ khí vào Nam, con tàu do ông làm thuyền trưởng tới vịnh Thái Lan thì bị tàu địch bao vây. Ông quyết định cho nổ tàu, cả đoàn thủy thủ nhảy xuống biển nhưng rồi tất cả đều bị địch bắt, đưa về giam tại đảo Phú Quốc. Năm 1974, ông Hà được trao trả về địa phương nhưng khi về đã mất hết Đảng tịch lẫn chế độ quân ngũ, cho tới bây giờ vẫn chưa được xác nhận. Đó cũng là lý do vì sao má Mười Rìu thương con và ông Lê Hà vẫn còn những nỗi buồn day dứt...

Tống Ngọc Thanh