Phần Lan muốn một công ty Luxembourg giữ các tài sản của Hi Lạp

Thế giới - Ngày đăng : 16:41, 30/08/2011

(HNMO) - Phần Lan đã đề xuất rằng, các tài sản nhà nước của Hy Lạp nên được chuyển giao cho một công ty nắm giữ có trụ sở ở Luxembourg và giữ như một sự bảo đảm cho các khoản vay mới với Athens.


Theo một tài liệu nội bộ mà Reuters có được, việc đề xuất, được soạn thảo vào tháng 6, vẫn duy trì một mục trung tâm trong các yêu cầu của Phần Lan với tài sản thế chấp để tiếp tục cung cấp thêm viện trợ cho Hy Lạp. Các quan chức cao cấp của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tổ chức một cuộc hội đàm khác ngày hôm qua, 29/8, để cố gắng giải quyết vấn đề tài sản thế chấp.

Nếu Phần Lan không có được những gì mình muốn, nước này có thể thoát ra khỏi gói cứu trợ Hy Lạp, để lại rắc rối mới cho các thị trường tài chính.

Mặc dù chỉ góp phần nhỏ khoảng 1,4 tỷ euro, nhưng sự chia sẻ của Phần Lan với gói hỗ trợ mới cho Hy Lạp là rất quan trọng bởi vì xếp hạng tín dụng 3A của nước này sẽ tăng thêm trọng lượng cho việc giải cứu 109 tỷ euro đã được thỏa thuận hôm 21/7, gói cứu trợ thứ hai mà Athens đã nhận được.

Những yêu cầu từ Helsinki với tài sản thế chấp đã làm dấy lên yêu cầu từ các nước, trong đó có Áo, Hà Lan, Slovenia và Slovakia về sự cư xử tương tự và đe dọa làm hỏng nỗ lực của khu vực đồng tiền chung châu Âu để cứu Athens khỏi sự vỡ nợ.

Trong tài liệu, các quan chức Phần Lan đã đặt ra việc Chính phủ Hy Lạp và cơ quan tư nhân hóa của nước này sẽ ủy quyền việc chuyển giao tài sản cho một công ty nắm giữ có trụ sở tại Luxembourg như thế nào mà tài sản này sẽ được sử dụng để bảo đảm cho các nước cung cấp cứu trợ.

Cơ quan tư nhân hóa sẽ sở hữu tất cả cổ phần trong công ty nắm giữ tài sản, mặc dù các cổ phiếu sẽ được giữ trong điều kiện bị giam giữ bởi một bên thứ ba. Do công ty nắm giữ sẽ được đặt tại Luxembourg, nó sẽ hoạt động theo pháp luật Luxembourg.

Một động thái như vậy sẽ gây tranh cãi ở Hy Lạp, nơi chính phủ đã mạnh mẽ bác bỏ đề xuất cung cấp đất hoặc cổ phiếu công ty như là tài sản thế chấp cho khoản vay trong tương lai. Nó sẽ có nghĩa là Hy Lạp, với các kế hoạch tăng 50 tỷ euro từ tư nhân hóa vào năm 2015, sẽ mất chủ quyền đối với tài sản của mình.

Hy Lạp, đã thông qua một đạo luật hồi tháng 6 cho việc thiết lập một cơ quan tư nhân hóa để xử lý việc bán các công ty thuộc sở hữu nhà nước, đến nay đã thực hiện được một số bước để thực thi luật, có nghĩa là nước này có thể bỏ lỡ một mục tiêu đã được thoả thuận với EU và IMF trong việc tăng 1,7 tỷ euro từ việc tư nhân hóa vào cuối tháng 9.

V.A