Múa đương đại châu Âu gặp Việt Nam tại Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 15:53, 30/08/2011

(HNMO)- Vào các tối ngày 8 và 9/9/2011, tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình múa đương đại Châu Âu và Việt Nam...


(HNMO)- Vào các tối ngày 8 và 9/9/2011, tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình múa đương đại Châu Âu và Việt Nam. Đây là một dự án hợp tác của mạng lưới các tổ chức văn hoá châu Âu - EUNIC tại Việt Nam với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức, dự kiến chương trình sẽ tổ chức thường niên trong chương trình văn hóa của Hà Nội.

“Múa Đương đại – Châu Âu gặp Việt Nam” là dịp để khán giả Việt có cơ hội tìm hiểu về các xu hướng dàn dựng các vở múa đương đại châu Âu. Chương trình biểu diễn mỗi đêm với ba tác phẩm múa khác nhau. Vở diễn “Mùa đom đóm” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được chọn là vở diễn khai mạc của chương trình.

Tiếp theo, đoàn múa của của Bỉ “Dame de Pic / Karine Ponties” sẽ giới thiệu vở múa đầy sáng tạo, lần đầu tiên ra mắt công chúng, mang tên "Benedetto Pacifico", do nghệ sĩ Ricardo Machado biểu diễn. Một vở múa đầy bí ẩn, về đề tài bù nhìn, được diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể huyền bí, dẫn dắt chúng ta đi vào thế giới tưởng tượng. Bỉ là một quốc gia có nền nghệ thuật múa đương đại độc đáo và đầy sáng tạo. Các tác phẩm của biên đạo múa Karines Ponties đã được trình diễn nhiều lần trên toàn thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên tác phẩm của cô được giới thiệu tới công chúng Việt Nam, theo lời mời của Phái đoàn Wallonie-Bruxelles.

Tác phẩm cuối cùng là một vở vũ kịch hợp tác Đức - Việt: Biên đạo múa Đức Hans Henning Paar, do Viện Goethe mời, đã cùng với các vũ công của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch phát triển một vở mới trong nhiều tuần làm việc căng thẳng. Trên nền nhạc sâu sắc và đằm thắm của Franz Schubert (1797 - 1828) tác phẩm "Cái chết và Cô gái" đã hình thành: Câu chuyện kể về một cô gái bị Thần chết đeo bám luôn là nguồn cảm hứng cho người nghệ sĩ, thoạt đầu, cô gái cố sức phản kháng, nhưng rồi cô dần buông xuôi và cuối cùng nhẹ nhàng từ giã cuộc sống. Lần này câu chuyện được dàn dựng thành một vở múa đương đại tại Hà Nội. Hans Henning Paar đã từng cùng với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) dàn dựng vở nhạc kịch “Người đi qua thung lũng” công diễn thành công rực rỡ trong tháng Giêng năm nay tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Cũng nhân dịp này, vào các ngày 4,5 & 6/9, Viện Goethe Hà Nội sẽ trình chiếu ba bộ phim về đề tài múa đương đại với các tác phẩm múa nổi tiếng: Trong bộ phim "Nhịp điệu là thế đó", 250 bạn trẻ luyện tập một vũ đạo trong Le Sacre du Printemps của Igor Stravinsky, trên nền nhạc do Dàn nhạc giao hưởng Berlin thể hiện dưới sự chỉ đạo của Simon Rattle. Ngược lại, phim "Quán Café Müller" giới thiệu một trong những vở múa nổi tiếng nhất của Pina Bausch (1940 - 2009). Với tác phẩm này, bà đã được quốc tế công nhận là người sáng lập ra trường phái múa hiện đại. Bộ phim thứ ba, "Đại lộ của các phi hành gia" của biên đạo múa Berlin Sasha Waltz kể về lịch sử của một gia đình dưới dạng một tác phẩm vũ kịch.

T.Minh