Cửa hẹp khó giữ chân người tài

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 30/08/2011

(HNM) - Cứ sau mỗi kỳ gặp mặt và tuyên dương thủ khoa tại Hà Nội, vấn đề thực hiện chính sách tuyển dụng người tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước lại rộ lên, thu hút nhiều sự quan tâm của thủ khoa và phụ huynh.

Năm 2011, dù hơn 55% thủ khoa xuất sắc có nguyện vọng vào làm tại các cơ quan nhà nước, nhưng theo nhận định của Thành đoàn Hà Nội thì đây là con số "ảo". Vì hiện nay chưa chính thức tìm được việc làm thì các ứng viên cứ đăng ký vì "chả mất gì", sau vài tháng tìm được cơ hội sẽ tính tiếp…

Mâu thuẫn cung - cầu



Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý để các thủ khoa yên tâm cống hiến cho xã hội. 
Ảnh: Viết Thành

Dù sau mỗi kỳ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, học viện trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đều có chính sách tuyển dụng thủ khoa như tuyển thẳng vào biên chế dự bị, không cần hộ khẩu Hà Nội; không hạn chế số lượng tuyển với một số ngành; được hỗ trợ kinh phí học sau ĐH cả trong, ngoài nước… Nhưng theo thống kê của Sở Nội vụ, sau 5 năm thực hiện chính sách thu hút nhân tài theo Quyết định số 77/2005/QĐ-UB ngày 26-5-2005 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế Tuyên dương khen thưởng và chính sách sử dụng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, đến nay mới chỉ có 57 thủ khoa vào làm việc (chiếm 6,62% số thủ khoa tuyên dương), mà chủ yếu được nhận vào làm việc trong ngành giáo dục. Nguyên nhân của việc này là do mâu thuẫn cung - cầu. Những chuyên ngành như quản lý hành chính công, luật, công nghệ thông tin, kiến trúc, xây dựng, giao thông đô thị và tài nguyên môi trường đang rất thiếu, nhưng các thủ khoa tốt nghiệp ngành này lại không thiết tha; còn lĩnh vực như giáo viên, kế toán… thủ khoa đăng ký nhiều thì lại không có chỉ tiêu.

Mới đây, Thành đoàn Hà Nội đã có cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến các thủ khoa xuất sắc về nguyện vọng làm việc tại các cơ quan nhà nước của Hà Nội. Trong số 90 thủ khoa được hỏi về nguyện vọng nghề nghiệp, thì có hơn 55% có nguyện vọng vào làm tại các cơ quan nhà nước. Đây thực sự là mâu thuẫn đối với các thủ khoa, bởi thực tế thì họ vẫn có nhu cầu được tuyển dụng, song do chế độ, chính sách đãi ngộ chưa "hấp dẫn", như chế độ lương bổng, điều kiện làm việc còn hạn chế nên rất ít thủ khoa làm hồ sơ, thủ tục vào cơ quan nhà nước, hoặc ''nhảy việc'' khi có cơ hội.

Rất khó giữ chân người tài

Trong 5 năm qua, phải khẳng định, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách thu hút người tài vào làm việc trong cơ quan công quyền của TP Hà Nội. Trong quá trình làm việc, ngoài chế độ chung của Nhà nước, UBND TP Hà Nội còn chỉ đạo các sở, ban, ngành nơi tiếp nhận thủ khoa chủ động giao các công trình nghiên cứu khoa học cho thủ khoa đảm nhận để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, theo quy định là cán bộ, công chức phải có 5 năm công tác mới được đi học tiếp, thì với thủ khoa vừa về làm việc mà có nhu cầu học sau ĐH, UBND TP Hà Nội vẫn đồng ý kèm theo chế độ hỗ trợ lương tối thiểu/tháng cùng toàn bộ học phí; khi bảo vệ luận văn thạc sỹ, thủ khoa sẽ được hỗ trợ 30 lần lương và bảo vệ luận án tiến sỹ hỗ trợ 80 lần lương. Theo thống kê, trong số 57 thủ khoa được tuyển dụng, có 20 người được hỗ trợ kinh phí học lên sau ĐH; 3 trường hợp được hỗ trợ kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài và đến nay đã có 6 người đã thuyên chuyển công tác đến đơn vị khác.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều phụ huynh và một số thủ khoa, rất khó giữ chân người tài ở các cơ quan nhà nước, bởi điều kiện làm việc gò bó, thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống… nếu có chấp nhận về làm cũng chỉ tạm thời, nơi trú chân ban đầu. Nổi bật nhất là năm 2010, UBND TP tuyển dụng 4 thủ khoa vào làm việc tại Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, Nhà hát Chèo và UBND huyện Ba Vì, song đến nay đã có 3 người chuyển công tác vì nhiều lý do. Trước thực tế đó, Sở Nội vụ đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến, đánh giá và bàn biện pháp để giữ chân người tài nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình.

Qua thực tế, thiết nghĩ, TP Hà Nội cần phải có đột phá hơn nữa trong chính sách đãi ngộ đối với thủ khoa, nhất là các thủ khoa ở các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, kỹ thuật... Ví dụ như cần chính sách về nhà ở, lương bổng, nghiên cứu khoa học... bởi điều họ cần là môi trường làm việc, cống hiến, cơ hội thăng tiến và một cuộc sống ổn định.

Việt Tuấn