Giảm lãi để giữ ổn định lao động và tăng trưởng xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 30/08/2011

(HNM) - Đến nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may (DM) đã ký đơn hàng xuất khẩu (XK) cho cả năm với khối lượng tăng khoảng 20%, giá tăng 12-13% so với cùng kỳ năm ngoái.


May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May Macallan.   Ảnh: Duy Tuấn

Theo thống kê, DM là mặt hàng có kim ngạch XK đạt hơn 1 tỷ USD trong tháng 8, tương đương với tháng trước; ước 8 tháng đạt hơn 8,6 tỷ USD. Với mức này, dự kiến khả năng XK năm 2011 sẽ vượt mục tiêu 13 tỷ USD ngành đề ra từ đầu năm. Trong đó, 3 thị trường chủ lực là Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Bên cạnh đó, một số thị trường mới nổi với mức tăng trưởng XK nhảy vọt, hứa hẹn sẽ là khách hàng đầy tiềm năng như Hàn Quốc, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ...

Dù đang ở thời điểm thuận lợi về đơn hàng, song điều đó không đồng nghĩa với việc lợi nhuận của DN tăng trưởng tương ứng. Đại diện một DN lớn thuộc Tập đoàn DM Việt Nam cho biết, phần lớn doanh thu phải chi cho việc nhập nguyên phụ liệu và các chi phí "đầu vào" đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Từ thực tiễn kinh doanh của DN, nếu loại bỏ yếu tố giá tăng từ 15% đến 20%, lợi nhuận của nhà sản xuất vốn chỉ ở mức 5% đến 7%, thì nay chỉ còn khoảng 3% đến 4%, thậm chí có nơi chỉ còn hơn 1% do phải trả chi phí nhân công và lãi vay. Mặt khác, trong cơ cấu giá thành may gia công, lương công nhân chiếm tới 65% đang tạo nhiều áp lực cho DN, nhất là những DN lớn có hàng nghìn lao động. Thực tế cho thấy, mức lợi nhuận giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mỗi DN và nhiều yếu tố khác. Nếu DN phải vay vốn nhiều với lãi suất cao như hiện nay lãi sẽ ít, thậm chí không còn lãi; DN đặt nhà máy tại các thành phố lớn, giá nhân công cao, lãi sẽ giảm so với đặt nhà máy tại các tỉnh....

Trong bối cảnh khó khăn chung, các DN đều chấp nhận giảm lãi để giữ chân người lao động nhằm bảo đảm ổn định sản xuất và giữ tăng trưởng XK. Đại diện Tập đoàn DM Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị đang chấp nhận giảm lãi, thậm chí sản xuất không lợi nhuận để bảo đảm đời sống công nhân. Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Việt Tiến cho biết, năm nay DN đã điều chỉnh lương cho 27.000 công nhân lên mức trung bình 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng, tăng 22% so với cuối năm ngoái. Còn tại Công ty May Sài Gòn 3, lương công nhân trong hai quý đầu năm 2011 là 5 triệu đồng/tháng, dự kiến hai quý cuối năm nay là 5,5 triệu đồng/tháng. Để bảo đảm cho chất lượng bữa ăn ca, thay vì thuê đơn vị cung cấp suất ăn bên ngoài, công ty đã đầu tư xây dựng nhà bếp, tự nấu để mỗi phần ăn của người lao động không bị giảm.

Giữ nguồn lao động ổn định, DN mới tồn tại và phát triển bền vững.

Thanh Hiền