Hỏi đáp về phong thủy - Sao đơn giản thế
Sách - Ngày đăng : 06:44, 30/08/2011
Sách phong thủy quả là một dòng suối cung cấp nguồn cá, tôm, cua, ốc dồi dào phong phú cho các đầu bếp phong thủy! Để tra cứu nhanh chóng dựa trên lời giải có sẵn, cuối năm 2010, Nhà xuất bản Hải Phòng cho ra mắt độc giả cuốn “100 câu hỏi về phong thủy nhà ở” và giới thiệu là: “Nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống, vận dụng những tri thức tương quan của khoa học kỹ thuật hiện đại để tìm tòi, khám phá ra nguyên lý và quy luật phong thủy học hiện đại và cố gắng kết hợp hữu cơ với việc vận dụng thực tế trong hiện đại để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa”. Lấy ví dụ một số giải thích xem liệu có thỏa mãn được những câu hỏi lớn về phong thủy của mỗi chúng ta hay không!
1. Tại sao phía trước cần có tụ thủy? Trước có sông ngòi kênh rạch, sau có đồi núi, thường được coi là môi trường nhà ở lý tưởng nhất. Trước cửa có ao nước hoặc giếng phun, thuật phong thủy gọi là “đường tiền tụ thủy”, nghĩa là trước cửa nhà sáng sủa có nước thì phúc. Thực ra, ngay trước cửa có nước, với chủ nhà mà nói, thật thuận tiện, chẳng phải đi xa gánh nước. Điều cần chú ý là, trước cửa có nước, nhưng cũng cần phải phân biệt rõ là nước như thế nào, trong phong thủy học chia thủy thành hai loại là tử thủy (nước tù) và hoạt thủy (nước lưu động, luôn đổi mới). Nếu chọn ngôi nhà trước cửa có nước tụ, thì phải chọn được thế nước như vừa trình bày phân tích kể trên, mới được gọi là phong thủy tốt (trang 5-7).
- Đối với người dân nông thôn chắc không cần gánh nước xa, vì quanh nhà có sẵn ao, hồ, giếng, bể nước lai láng! Với người thành phố không dễ tạo được tụ thủy trước cửa, phần vì diện tích hạn hẹp, phần vì giá nước ngày càng đắt đỏ, sơ ý là mất vài triệu/tháng như chơi. Nhưng nếu ai muốn quan tâm đến tụ thủy cũng sẽ khó phân biệt được khái niệm nước tù - nước lưu động. Nói nước lâu ngày không luân chuyển là tù vậy thì bể chứa nước máy để dùng dần từ vài ngày đến vài tháng có tù lắm không? Ngược lại, nước thải, nước tắm, nước mưa chảy liên tục qua cống trước cửa nhà có được coi là nước lưu động, luôn đổi mới hay không? Bởi khái niệm chỉ nói đến trạng thái lý tính mà không đếm xỉa đến bản chất hóa tính của nước?
2. Tại sao nhà phải dựa lưng vào núi? Nhà xây dựa lưng vào núi là rất coi trọng tầm nhìn cảnh quan. Ngày nay, kiểu nhà thế đất ngoảnh lưng vào núi cũng rất được hoan nghênh. Dựng nhà sát núi, chủ yếu nhằm tránh gió. Dãy núi đồi trùng điệp tạo thành bức bình phong thiên nhiên. Nếu dựng nhà nơi trống trải, nếu gặp vòi sóng bão tố tới mức cổ thụ cũng bật rễ thì thử hỏi người và gia súc sống sao được bình yên và ngôi nhà liệu có đứng vững? Phong thủy học gọi dãy núi kéo dài không dứt là Long mạch (trang 8).
- Trong điều kiện giãn dân để phát triển quy hoạch chung như hiện nay cũng có thể bàn đến việc xây dựng nhà trong khu vực đồi núi. Tuy nhiên, nếu quan niệm dựng nhà sát núi nhằm tránh gió thì quá sai lầm. Một cái nhà, thậm chí vài chục nhà cũng không chịu nổi sức gió núi - mưa ngàn vào cơn cuồng nộ. Hơn thế nữa, khi tới mức cổ thụ cũng bật rễ thì tai họa tồi tệ hơn nữa sẽ ập đến, đó là lở đất, đá rơi, lũ bùn, lũ quét, lũ ống. Hễ ở vùng núi thì có tiềm ẩn thiên tai, đâu phải vì núi có long mạch mà không bị họa hại!
3. Nhà ở tại sao chớ “gà ri đứng giữa bầy hạc? Có người khoái sống ở những nơi chi chít nhà cao chọc trời, những nơi phố xá sầm uất, khu thương mại phồn hoa đô hội. Thực ra, ở những nơi đó không phải là nơi cư trú lý tưởng. Lý do: Trước mặt nhà ở tối kị có vật kiến trúc lớn chắn ngang. Sống trong những tòa nhà thấp, về mặt sinh khí luôn ở vào thế lép vế; nếu như nhà ở lọt thỏm trong bốn bề đều là nhà cao tầng chót vót, căn nhà của ta như người lùn trong đám đông, như gà ri đứng giữa bầy hạc, thì tầm nhìn ra ngoài bị chung quanh che chắn, khiến người ta có cảm giác tù túng, chật chội, khí thế không thể vươn xa, sự phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng (trang 17- 18).
- Xét trên địa hình thực tế thì không thể có trường hợp (hoặc hy hữu lắm) đơn độc một nhà lọt thỏm giữa bốn xung quanh là nhà cao tầng gồm những khu mua sắm, văn phòng, nhà cao cấp… vì khi giải phóng mặt bằng xây dựng, một trong bốn hoặc có thể cả bốn chủ đầu tư sẽ tìm mọi cách thôn tính cái nhà bé nhỏ ấy để mở rộng diện tích kinh doanh. Còn nếu có một cụm dân cư nằm giữa những khu cao tầng thì cũng không thể bị bít kín đường thở như hũ nút được.
4. Nhà ở tại sao nên quay lưng hướng Bắc, ngoảnh mặt hướng Nam? Nhà quay lưng hướng Bắc, ngoảnh mặt hướng Nam là một trong những nguyên tắc xây dựng trong lý thuyết phong thủy truyền thống. Trong dịch chiêm học (thuyết bói quẻ dịch) có nói, mặt Nam cây cỏ tốt tươi, dương khí tràn trề, hướng về phía Nam mà xưng vương là phương vị tối cao. Lý do chọn nhà ở dựa lưng hướng Bắc, nhìn về hướng Nam là do 3 yếu tố sau: Lấy ánh sáng tốt; thông gió tốt; tránh gió Bắc. Nếu như nhà không thể ngoảnh mặt về hướng Nam thì nên trổ nhiều cửa sổ về hướng Nam, hoặc mở cửa sổ trời, tăng thiết bị chiếu sáng... (trang 32-34).
- Không phải tất cả ngôi nhà, căn hộ, thậm chí biệt thự đắt tiền cũng có thể quay về hướng Nam được, hướng còn phải phụ thuộc vào thế đất, địa hình, quy hoạch và diện tích xây dựng. Có điều chắc chắn rằng, không chủ đầu tư nào bỏ cuộc chỉ vì khu đất xây nhà không quay mặt về hướng Nam và không khách hàng nào từ chối mua những ngôi nhà, căn hộ chỉ vì không hướng về Nam!
5. Nhà tại sao không nên vào cửa thấy cầu thang? Cầu thang cũng giống như hành lang, là đường thông trong một căn nhà. Nếu xét về hình thái cầu thang thì chẳng có loại cầu thang nào được coi là an toàn tuyệt đối, có điều vì thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày và có lợi cho sức khỏe, chú trọng tới khâu an toàn, khi tiến hành chọn nơi đặt cầu thang cần chú ý không nên đặt nó đối diện ngay với cửa ra vào. Bởi khí là từ cửa lớn xộc vào nhà, khí vừa chân ướt chân ráo vào nhà liền vấp ngay cầu thang, mà bản thân cầu thang có từng bậc, giống như từng đường cắt ngang, lại ngoắt ngoéo gấp khúc, liền làm cho khí bị xắt khúc hoàn toàn, hoặc làm cho khí không trôi chảy, gây rối loạn trường khí (trang 48-49).
- Tác giả đã nhân cách hóa ngọn gió mà không hiểu rõ lắm bản chất của gió, khí theo âm dương ngũ hành (vốn là cái gốc của mọi trường phái triết học, phong thủy). Gió thuộc cung Tốn, là âm Mộc, tính chất của nó là mềm dẻo, linh hoạt, nhẹ nhàng, luồn lách nhanh nhẹn một cách vô hình. Gió không có chân nên nó không cần phải leo thang, nhà có bậc thang hay không thì gió vẫn lùa ngược từ dưới lên hay từ trên xuống nếu có cửa thông hay cửa hút. Vì thế, gió không quan tâm đến số bậc cầu thang, ở giữa hay ở cạnh, nó cứ lùa vô tư. Ngoài ra, đa số nhà ở xây tại các thành thị đều có dạng ống điển hình, nếu không dùng thang máy hoặc đưa cầu thang ra ngoài thì kiểu gì cầu thang cũng nằm chềnh ềnh giữa nhà hay gần giữa nhà, bởi kết cấu của thang phải có bậc thoai thoải cao dần, không thể dựng ngược, thẳng đứng lên tầng trên như như thang tre, thang dây được?