Họa sư Nam Sơn
Xã hội - Ngày đăng : 09:58, 29/08/2011
Nam Sơn (1890 - 1973). Ảnh: Nguyệt Diệu |
Cuộc gặp gỡ lịch sử
Sinh ra trong một gia đình dòng dõi gia thế ở Hà Nội, Nam Sơn, được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Vạn Thọ với hy vọng một sự "vạn an thế đức..." Cha ông là nhà nho Nguyễn Văn Khang, nguyên Thư ký Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, mất sớm khi ông mới lên 4 tuổi. Mẹ ông ở vậy một mình, tảo tần nuôi con, được vua Bảo Đại ngự ban kim khánh khắc 4 chữ Tiết hạnh khả phong để biểu dương.
Ngay từ những năm vào học trường Bưởi, Nguyễn Vạn Thọ đã sớm bộc lộ tài năng và lòng ham mê hội họa. Thời ấy, không có thầy và không có trường dạy vẽ, cậu phải mày mò học vẽ qua những bức tranh dân gian, tranh Trung Quốc và tranh Nhật Bản.
Mười tám tuổi, ông vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương, nhưng tâm huyết thì vẫn dành cả cho hội họa. Nhiều người ở Hà Nội khi đó đã biết đến tài vẽ của Nguyễn Vạn Thọ đến mức các học giả Trần Trọng Kim và Đỗ Thận khi cho in những công trình Quốc văn giáo khoa thư và Cách trí giáo khoa thư… đều nhờ ông vẽ bìa và minh họa. Bút hiệu Nam Sơn bắt đầu xuất hiện từ đó. Và rồi, Nam phong tạp chí, Đông Dương tạp chí đều tìm đến nhờ Nam Sơn vẽ minh họa.
Nổi tiếng về tài vẽ nên năm 1923, Nha Học chính mời ông về chuyên trách việc trình bày các sách giáo khoa. Điều bất ngờ là, thời gian này, họa sĩ Pháp nổi tiếng Victor Tardieu, nhiều hơn Nam Sơn 20 tuổi, bảy lần đoạt giải thưởng hội họa trong đó có Giải thưởng quốc gia Pháp, sang Việt Nam để sáng tác và tìm hiểu mỹ thuật phương Đông. Một buổi đến thăm Hội quán sinh viên Việt Nam do Paul Monet lập tại số 9 phố Vọng Đức Victor Tardieu đã gặp và chú ý ngay đến Nam Sơn, người thanh niên đang giúp P. Monet trang trí Hội quán. Và, cuộc gặp gỡ này nảy sinh tình bạn giữa hai người.
Bức Chợ gạo bên sông Hồng, vẽ bằng mực nho năm 1930 |
Tardieu thấy những bức vẽ của Nam Sơn khá rõ những dấu vết tự học qua tranh phương Đông, nhưng cũng có thiên hướng tiếp cận mỹ thuật phương Tây qua đường nét phóng khoáng, hiện thực, mà ông đoán chắc là qua sách báo từ Paris đưa sang. Nhưng với Tardieu, quan trọng hơn cả là thấy được năng khiếu hội họa của Nam Sơn, nên ông đã giúp Nam Sơn làm quen với kỹ thuật và các chất liệu hội họa phương Tây, từ pha sơn, căng vải toan đến luật điều tiết ánh sáng, xa gần… Và sau đó, Nam Sơn đã là người đầu tiên ở Đông Dương vẽ những tác phẩm sơn dầu theo trường phái ấn tượng, đó là các tác phẩm Cô gái Việt Nam và Nhà nho xứ Bắc, năm 1923, được bày tại nhà Đấu Xảo, sáng rực cả một bức tường, như Nam phong tạp chí và một số tờ báo đương thời ca ngợi…
Từ lúc ấy, trong Nam Sơn lớn dần một suy nghĩ: Victor Tardieu có thể hướng dẫn mình, thì cũng có thể hướng dẫn những người Việt Nam có tài khác vẽ tranh? Lập một trường dạy vẽ tại nước ta? Sau nhiều ngày hết mình giúp Tardieu vẽ bức tranh khổ lớn tại giảng đường Đại học Y khoa Hà Nội, Nam Sơn đã nói về mơ ước đó với họa sĩ tài danh người Pháp. Ông ấy không phản đối, nhưng chỉ ậm ừ…
Gắng sức không biết mệt
Thành lập một trường mỹ thuật ở xứ này? Rồi quản lý nó? Nghĩa là phải sống xa Paris? Vậy còn đời sống gia đình thì sao? Năm ấy, Tardieu đã 53 tuổi, đang dồi dào sức sáng tạo, chỉ muốn dành hết thời gian cho việc vẽ. Vợ ông, sau khi đoạt giải nhất của Học viện Âm nhạc Pháp, vừa mở lớp dạy tại nhà riêng, làm sao có thể theo ông sang xứ này. Con trai ông, nhà thơ trẻ tài năng Jean Tardieu luôn cần những giúp đỡ về kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật của bố… Vậy mà, Tardieu, dẫu chỉ ậm ừ, nhưng không từ chối! Hơn thế, ông đã suy nghĩ nhiều.
Không chỉ anh bạn trẻ Nam Sơn vừa có tài vừa giàu mơ ước về một nền nghệ thuật cho quê hương, ở xứ này còn nhiều người thông minh và có năng khiếu mỹ thuật. Nếu có thầy, có trường, họ đâu có thua kém ai… Tư tưởng nhân văn trong người họa sĩ Pháp đã trỗi dậy. Một thời gian sau, trong báo cáo gửi về nước, Tardieu đã thuyết trình về nghệ thuật An Nam trong quá khứ, hiện tại và triển vọng ở tương lai. Phần viết về tương lai, ông đã đề cập tới việc mở trường dạy mỹ thuật tại Đông Dương!
Đối với Nam Sơn, ngày 24-10- 1924 là một dấu mốc rất lớn trong đời, ngày ông đón trên tay tờ công báo về việc Chính phủ Pháp ra Nghị định thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, do chính Victor Tardieu làm giám đốc. Cho đến cuối thế kỷ XX, sách báo Pháp còn viết, người tác động chủ yếu để Tardieu quyết định và xúc tiến mở trường là họa sĩ Nam Sơn - Nguyễn Vạn Thọ. Cuốn sách Paris - Hà Nội - Sài Gòn - Cuộc phiêu lưu của hội họa hiện đại Việt Nam do Những Bảo tàng Paris xuất bản tháng 5-1998, có đoạn: “Chính thức thành lập do một Nghị định thư của Toàn quyền Merlin, trường này (Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) nói cho đúng hơn là kết quả của tình bạn kỳ lạ giữa hai con người (V. Tardieu và Nam Sơn)… Nam Sơn thuyết phục V.Tardieu tiến hành những vận động cần thiết để có thể khai giảng và điều hành nhà trường… những bước đầu tiên đầy khó khăn, nhưng đã thành công, như ta đã biết”.
Sau khi có quyết định thành lập trường, Victor Tardieu đưa Nam Sơn sang Pháp để tiến hành những việc cần thiết, như mua sắm thiết bị, tuyển lựa thầy dạy. Nam Sơn làm nhiệm vụ thư ký công vụ trong chuyến đi này. Hai ông rất hài lòng vì đã mời được họa Josepht Inguimberty sang Hà Nội làm tuyển sinh và giảng dạy. Chính thời gian ở Pháp này, nhờ sự giới thiệu của Tardieu, các buổi sáng, Nam Sơn vào trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp học với thầy Jean Pierre Laurens; các buổi chiều thì học với thầy Félix Aubert của trường Nghệ thuật trang trí Quốc gia. Nam Sơn còn học thêm về điêu khắc vào các buổi tối, đi thăm các bảo tàng và chủ nhật…
Những ngày học tại trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp, Nam Sơn đã gặp gỡ và kết bạn với họa sĩ Từ Bi Hồng của Trung Quốc và họa sĩ Foujita của Nhật Bản… Chính nhờ chuyến đi chuẩn bị cơ sở cho trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà Nam Sơn có cơ hội dốc sức suốt ngày đêm để tiếp thu những kĩ năng của hội họa châu Âu ngay tại Paris, thủ đô của nghệ thuật thế giới!
Người thầy của những bậc danh họa Việt
Có một điều không mấy ai biết là, đúng thời điểm phải trở về Việt Nam để làm công việc tuyển sinh thì họa sĩ Tardieu ốm nặng, phải nằm lại Paris chữa bệnh. Nam Sơn do đó phải gồng mình lên làm mọi công việc từ tổ chức hành chính, coi thi, chấm bài, xét tuyển từ 522 thí sinh toàn Đông Dương và chọn được mười người trúng tuyển, cho kịp ngày khai giảng Khóa I, (1925-1930). Trong mười người trúng tuyển, có Công Văn Trung là một thí sinh khá đặc biệt. Do gửi hồ sơ dự thi tới Bộ Giáo dục Pháp tận Paris (chứ không gửi theo một địa chỉ ở Hà Nội), nên đến ngày thi, 270 thí sinh Hà Nội đều được gọi vào phòng thi, chỉ riêng Trung không có tên.
Dù rất chán nản, nhưng hàng ngày Trung vẫn đến đứng ngoài các phòng thi. Hiện tượng này khiến thầy chủ khảo Nam Sơn để ý. Gần đến ngày cuối kỳ thi, Công Văn Trung được mời vào văn phòng. Thầy Nam Sơn vừa nhận được hồ sơ đăng ký dự thi của Trung từ Pháp gửi sang, ân cần nói: “Do sự bất cẩn của anh nên sự việc mới như thế… Tôi thay mặt Ban giám khảo cho phép anh ngày mai, từ buổi sáng, đến dự thi môn cuối cùng với anh chị em thí sinh khác. Đó là môn hình họa, thi sáu buổi, mỗi buổi ba giờ. Anh đến trước giờ thi nửa tiếng để nhận giá vẽ, bảng vẽ, chì than, quả dọi, que đo và ruột bánh mỳ làm tẩy…
Thi xong môn này, anh sẽ được đặc cách một mình thi các môn khác. Tôi sẽ đích thân coi tất cả các buổi anh được đặc cách dự thi”. Khi ấy, nghe thầy Nam Sơn nói, Công Văn Trung bàng hoàng sung sướng. Chính tấm lòng người thầy khích lệ khiến Trung đỗ thứ năm trong số mười thí sinh trúng tuyển, và sau này trở thành một họa sĩ tài danh của nền Mỹ thuật Việt Nam.
Thời gian đó, với cách dùng người bản xứ của chính quyền bảo hộ, mặc dù Nam Sơn đã có đầy đủ tri thức hội họa và thường xuyên lên lớp như một giáo sư thực thụ, nhưng vẫn chỉ được gọi là trợ giáo, mãi cho đến năm 1927 mới được phong là giáo sư chuyên ngành. Tuy nhiên các sinh viên luôn coi ông là một người thầy yêu quý, là niềm tự hào của hội họa Việt Nam. Những học trò của ông sau trở thành những họa sĩ lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm… Họ đều rất yêu kính và tự hào về “thầy Nam Sơn, họa sư Nam Sơn của nước Việt Nam ta!”.
Bức Nhà nho xứ Bắc, là bức tranh vẽ chân dung bằng chất liệu sơn dầu đầu tiên của người Việt Nam, được vẽ năm 1923, từ nguyên mẫu là cụ Nguyễn Sĩ Đức, cậu ruột của Nam Sơn, một nhà nho tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục |
Victor Tardieu làm hiệu trưởng được 12 năm, đến năm 1937 thì qua đời tại Hà Nội, còn Nam Sơn tiếp tục giảng dạy cho đến năm 1945, khi trường ngừng hoạt động. Sau khi họa sĩ Tardieu qua đời, thầy Nam Sơn cùng các giáo sư khác vẫn đào tạo các tài năng hội họa tiếp nối cho Việt Nam, như Diệp Minh Châu, Phạm Tăng, Phạm Viết Song, Phan Kế An, Bùi Xuân Phái, Sĩ Ngọc. Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Quang Phòng, Mạnh Quỳnh, Tôn Đức Lượng… Đó là những tài danh đã tạo nên nền Mỹ thuật của nước Việt Nam dân chủ công hòa.
Một tình yêu họa sư để lại
Năm 1940, khi Cuộc chiến tranh thế giới II bùng nổ, Việt Nam không ngoài vùng ảnh hưởng. Với những cố gắng của họa sư Nam Sơn và các thầy khác, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vẫn tuyển sinh. Lúc này, một sinh viên cũ của trường là Tô Ngọc Vân, đã là một họa sĩ rất nổi tiếng, cũng được mời về trường giảng dạy. Sau này, họa sĩ lão thành Phan Kế An kể lại: “Thầy Nam Sơn rất nghiêm khắc trong giảng dạy, nhưng lại rất cởi mở trong đời sống. Hồi nhà trường chạy bom đồng minh lên Sơn Tây, ở nhờ trong các nhà dân, và học nhờ ở Văn Miếu Sơn Tây. Lúc này Nhật Pháp đã bắn nhau, thầy Sơn Nam thương học trò của mình, nên làm Quyền hiệu trưởng để duy trì khóa học.
Sinh viên trẻ chúng tôi thử nghiệm vẽ theo trường phái mới. Đột ngột, ông Inguimberty, thầy Nam Sơn và anh Tô Ngọc Vân đến kiểm tra. Chúng tôi giấu biệt các bức vẽ thể nghiệm, chỉ đưa những bức vẽ “đúng luật” ra. Khi tiễn các thầy ra cửa, thầy Nam Sơn đi lùi lại sau, cặp mắt gườm gườm sau đôi kính nhìn soi vào chúng tôi: “Này, các cậu lừa Tây thì được, làm sao bịp được tôi”. Nói vậy, nhưng mắt thầy ánh lên nét cười!
Còn họa sĩ lão thành Tôn Đức Lương thì vẫn nhớ mãi: “Bố Nam Sơn suốt đời đi chiếc xe đạp Peugeot sơn nâu, lúc nào cũng đủ cả chuông, đèn, phanh… Một hôm chúng tôi rủ nhau lấy bột màu quét chiếc xe thành màu vàng. Sau giờ dạy, bố ra ngắm nghía chiếc xe, rồi bỏ đó, đi bộ về nhà. Xe bị bỏ đó hai ngày, chúng tôi rất sợ, mà lại thương bố quá. Thật may, đến hôm thứ ba, trời đổ mưa rào, màu vàng trôi đi hết. Chiều hôm ấy mới thấy bố lên xe đi về nhà. Điều này chúng tôi nhớ suốt đời và thêm phần thương yêu thầy của mình suốt đời…"
Những năm dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nam Sơn không chỉ là một thầy giáo được học trò yêu quý mà còn là một họa sĩ tài danh bậc nhất, sáng tạo nên những tác phẩm để đời. Đó là những bức tranh sơn dầu đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam, là Cô gái Việt Nam và Nhà nho xứ Bắc (vẽ năm 1923); là bức tranh phấn màu nổi tiếng Chân dung cụ Sùng Ấm Tường (vẽ năm 1927); là bức tranh lụa Về chợ (vẽ năm 1927); là bức tranh mực nho danh giá Chợ gạo bên sông Hồng, giải thưởng Hội họa tại Pháp năm 1930 và được Nhà nước Pháp mua để bày tại Bảo tàng Quốc gia, Paris; là tác phẩm khắc gỗ bảy màu Cò trắng và cá vàng, Giải thưởng tại Roma (Italya) năm 1932; ; là tác phẩm sơn dầu để đời Chân dung mẹ tôi, Huy chương Bạc trong triển lãm Mỹ thuật Pháp năm 1932…
Sau năm 1945, họa sư Nam Sơn tham gia công tác kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1957, trong đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Hội khóa I. Những năm sau, công chúng Mỹ thuật còn biết tới những tác phẩm của Nam Sơn, như Phong cảnh, vẽ bằng ngón tay chấm mực nho, và bức chì son rất đẹp Giấc mơ kháng chiến… Ngày 26-1- 1973, họa sư Nam Sơn qua đời tại nhà riêng, số 68 phố Nguyễn Du, Hà Nội.
Họa sư Nam Sơn để lại một tình yêu lớn, niềm kính phục lớn trong lòng nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam. Gia đình ông đến nay còn lưu giữ dòng bút tích của họa sư Nam Sơn viết: “Năm 1930 và năm 1935, khi Bộ Giáo dục và Mỹ thuật Pháp mua hai bức tranh của tôi triển lãm tại Paris, một bức vẽ mực Trung Quốc (Chợ gạo bên sông Hồng), một bức vẽ lụa (Thôn nữ), và khi tôi được huy chương Bạc… ở Paris báo chí đã khen ngợi Mỹ thuật Việt Nam. Tôi lúc đó thấy vui vui, phấn khởi rằng, người Việt Nam có văn hóa đã lâu và không còn nước nào dám nói đến khai hóa (ta) nữa!”
Năm 2003, nhân lần thứ ba mươi ngày giỗ thầy Nam Sơn, họa sĩ lão thành 96 tuổi Công Văn Trung đã nói với con cháu và các học trò: “Không có thầy Nam Sơn thì không có trường Mỹ thuật Đông Dương, cũng như không có thầy Nam Sơn thì không có họa sĩ Công Văn Trung ngày nay đâu!…”.