“Cậu ấm” nhà Gaddafi

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:18, 29/08/2011

(HNM) - Khi tin về trận chiến vẫn tiếp diễn và Tổng thống Libya Muammar Gaddafi được cho là đang cố thủ ở thủ đô Tripoli trở thành tâm điểm của thế giới, thì tung tích của Saif al-Islam Gaddafi, người con trai có nhiều ảnh hưởng nhất trong số các cậu ấm của nhà Gaddafi cũng là những dòng tin thời sự nhất.

Saif al-Islam Gaddafi.

Sau lời đồn đại bị phe nổi dậy bắt giữ trong các cuộc giao chiến ác liệt ở thủ đô Tripoli, Saif đã xuất hiện tại thủ đô Tripoli với lời khẳng định sát cánh cùng những người ủng hộ và sẵn sàng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Đến thời điểm hiện tại, số phận của Saif cùng các thành viên khác trong gia đình Gaddafi vẫn là một bí ẩn.

Từ tháng 2, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Saif từng khẳng định gia đình Gaddafi chưa từng có ý định rời khỏi Libya. "Chúng tôi có Kế hoạch A, Kế hoạch B, Kế hoạch C. A là sẽ sống và chết tại Libya. B là sẽ sống và chết tại Libya và C là sẽ sống và chết tại Libya", Saif nói. Cùng với cha, Saif có tên trong danh sách bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) truy nã hồi tháng 6 vừa qua với cáo buộc tội danh chống lại loài người. Thế nhưng, trong khi được xem là một lãnh đạo mới của Libya, hoàng tử (39 tuổi) này của nhà Gaddafi cũng là một nhân vật được cho là cấp tiến với nhiều góc cạnh khác biệt.

Mặc dù là nhà cải cách hàng đầu trong nội các Libya, Saif cũng nổi lên như là một trong những người bảo vệ chế độ tiên phong nhất. Khi bạo loạn nổ ra, nhà lãnh đạo M. Gaddafi từng khẳng định bất kỳ sự chuyển giao nào ở Libya cần phải có sự tham gia của Saif, người lâu nay được dự báo sẽ là người thừa kế ghế lãnh đạo quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, Saif phủ nhận tham vọng nắm quyền và một mực nhấn mạnh sẽ chiến đấu không khoan nhượng với phe đối lập.

Sự ủng hộ của Saif với cha có thể gây ngạc nhiên với bất kỳ ai từng nhìn nhận đây là người có tư tưởng hoàn toàn khác biệt với ông Gaddafi. Từ nhiều năm trước, trong khi Đại tá Gaddafi theo đuổi chương trình "loại bỏ những tư tưởng ngoại nhập vào Libya bất kể từ phương Tây hay phương Đông" thì cậu con trai thứ hai của ông đã nói tiếng Anh lưu loát, theo học Thạc sỹ tại Trường Đại học Kinh tế London, có bài viết trên New York Times và có mối quan hệ khá cởi mở với các chính khách trên thế giới. Nếu ông Gaddafi hiếm khi đi đâu mà không mang theo chiếc lều Bedouin quen thuộc và mặc trang phục truyền thống của đất nước bộ lạc thì, Saif lại xuất hiện giống một doanh nhân phương Tây với vest và cà vạt. Trong khi người cha cầm trịch đất nước thì công việc chính của cậu ấm Saif là đứng đầu quỹ nhân đạo mang tên Quỹ Gaddafi. Và cuối cùng, giữa lúc ông Gaddafi được biết đến như một nhà lãnh đạo cứng rắn thì Saif được nhắc tới như một người ủng hộ thúc đẩy dân chủ và cải cách hiến pháp để trao nhiều quyền và tự do cho người dân.

Nhưng, vượt lên mọi khác biệt, dù được nhìn nhận là người cởi mở hơn với xu hướng thay đổi nhưng không ai nghi ngờ sự thật lòng trung thành của Saif đối với người cha là tuyệt đối và trên hết. Đó là một trong những lý do khiến ông Gaddafi chọn Saif như người kế vị trong số 8 con trai và một con gái của nhà lãnh đạo Libya. Với nhiều người dân Libya, Saif cũng được xem là ứng viên hợp lý nhất. Không đánh vợ hay nhân viên như em trai Hannibal đã làm tại London và Thụy sĩ; không kiểm soát hoạt động viễn thông như anh Mohamed; cũng không trả 1 triệu USD để nghe 4 bài hát của Mariah Carey như anh Muatassim, cố vấn an ninh của ông Gaddafi… và cuối cùng Saif điều hành một công ty riêng: OneNineGroup.

Thế nhưng, giờ đây, mọi chuyện đã trở thành quá khứ khi chính phủ của ông Gaddafi đã không còn hợp pháp sau quyết định công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp quốc gia (NTC) là đại diện của người dân Libya từ hàng chục quốc gia trên thế giới. Số phận Saif, người có tên trong danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất trong năm 2011 của Tạp chí Time cùng gia đình quyền lực một thời Gaddafi vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Minh Nhật