Địa phong thăng

Sách - Ngày đăng : 07:04, 29/08/2011

Trong cách tổ chức đoàn kết, cần phải ưu tiên, lựa chọn những người hết lòng vì chính nghĩa và lợi ích của đất nước.

Bức tranh vẽ tả một cơn mưa rất to, ngụ ý chỉ điều kiện thuận lợi đã đến để cây cối vươn lên, nảy mầm. Một người thợ mộc đang cưa gỗ, tức là cần có hành động chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện khách quan. Một người đang lau tấm gương soi, là muốn nói tự mình phải xem xét lại mình, tự kiểm điểm để giữ trong sạch. Thăng chính là sự vươn lên như cây non mọc thẳng lên lên trời. Thăng biểu thị ý nghĩa hướng lên với thái độ tự tin, chắc chắn, đây cũng chính là thời điểm cần sự hỗ trợ của môi trường và chất sinh dưỡng. Trong giáp cốt văn, hình chữ Thăng là cái đấu đong nước rượu tràn ra ngoài nên có ý nghĩa là vượt qua, lên. Triệu của Thăng là chi nhật cao thăng (như mặt trời lên). Màu sắc của quẻ này trắng - xanh lục tạo hình ảnh tràn đầy với sức sống và phát triển. Tinh thần của Thăng là quá trình sinh ra, cao lớn dần, tích lũy thành quả như cây cối. Bởi thế, trong quá trình hành động để đạt được thành công trong sự nghiệp thì cần phải lưu ý:

1. Muốn hợp lực với người khác để tạo nên sức mạnh, tích lũy kinh nghiệm phong phú thì trước hết cần phải tự tu dưỡng, trau dồi bản thân để những người xung quanh nể phục, tin theo. Đầu thế kỷ XX, một người đàn ông Ấn Độ thấp nhỏ, gầy gò, đóng khố, nhờ có ý chí kiên cường, quyết tâm theo đuổi lý tưởng đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc đã làm nên lịch sử của đất nước mình, đó là Mahatman Ghandhi. Tuy theo học ở Anh, từng là một luật sư nhưng ông đã vận động nhân dân đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc bằng phương pháp phi bạo lực. Tư tưởng của Ghanhdi được coi là con đường tất yếu đem lại tự do cho nhân dân Ấn Độ và được nhiều nước trên thế giới noi theo. Ngày 30-1-1948, ông bị một kẻ cuồng tín sát hại, nhưng hình ảnh, tư tưởng, tên tuổi ông sống mãi cùng đất nước Ấn Độ. Ông được nhân dân suy tôn là Thánh Ghandhi.

2. Trong công cuộc xây dựng đại nghiệp, luôn cần những người trung thành và tín nghĩa. Bất kỳ người lãnh đạo nào cũng cần phân biệt trung thành với sự nghiệp chung phải lớn và quan trọng hơn là đối với một cá nhân. Thời nhà Minh, Binh bộ thượng thư Vu Khiêm can ngăn vua Anh Tông không nên đi đánh quân Bắc Nguyên, nhưng nhà vua không nghe, cuối cùng bị bại trận và bị bắt làm tù binh. Vì tình thế hỗn loạn của đất nước không có vua, Vu Khiêm tấu với Hoàng thái hậu lập Châu Kỳ Ngọc là em của Anh Tông lên làm vua mới. Mấy tháng sau quân Bắc Nguyên kéo đến đánh thành Bắc Kinh. Vu Khiêm đã bày trận đánh bại quân xâm lược để sau đó Anh Tông được trả tự do, quay về lên lại ngôi hoàng đế. Vì tự ái cá nhân, Anh Tông luôn hậm hực với Vu Khiêm về việc giúp ủng hộ em ông ta lên làm vua tạm thời, dù để cứu vãn thế nước. Vì thế, Anh Tông đã khép Vu Khiêm vào tội mưu phản, giết đi một công thần có công lớn trong việc bảo vệ đất nước và cả vương triều nhà Minh.

3. Để tiến tới thành công trong sự nghiệp, không những cần có tinh thần dũng cảm, kiên định, quyết đoán mà còn phải nhanh nhẹn, sáng suốt, ứng phó với các tình huống bất ngờ. Sách sử chép, cuối thời Đông Hán, Đổng Trác lộng quyền. Quan tư đồ Vương Doãn muốn diệt trừ hắn nhưng chưa tìm được kế sách và người thực hiện, nên giả vờ tổ chức ngày sinh mời bạn bè đến nhà hiến kế. Tào Tháo lúc đó đã nhận Thất tinh bảo đao đi hành thích Đổng Trác. Gặp lúc Đổng Trác đang ngủ trưa, Tháo rút dao ra định đâm, không ngờ Trác tuy quay mặt vào tường nhưng lại nhìn qua gương thấy hành động này nên quay lại hỏi xem Tháo định làm gì? Tháo bèn quỳ xuống nói muốn dâng đao cho Đổng Trác. Trác hết nghi ngờ, bèn nhận đao và cho Tháo một con ngựa quý. Lần khác đi đánh trận, khi lương thực sắp hết, Tháo nói với quản lý kho lương là Vương Cầu chia lương thực bớt đi, Cầu sợ binh lính phản ứng, nhưng Tháo bảo đã có cách giải quyết. Quả nhiên bị ăn đói, binh sĩ oán giận, căm phẫn phản ứng. Tháo gọi Vương Cầu vào đề nghị mượn đầu của ông ta để trấn an binh sĩ, rồi sai chém treo đầu Cầu lên ngọn sào về tội ăn bớt quân lương. Vì những hành động như vậy, cho tới nay lịch sử bình luận về Tháo vẫn không thống nhất, kẻ khen ngợi cao mưu, người nguyền rủa tàn ác nhưng cuối cùng thì Tháo vẫn là người thành công.

4. Để giải quyết an toàn cho bản thân khi đối diện với một khó khăn quá lớn, phải lựa chọn giải pháp đồng sàng dị mộng để vừa có lợi cho bản thân vừa giữ gìn được sự nghiệp. Đời nhà Thanh, vua Thái Tông đột tử khiến cho nội bộ triều đình lục đục, các vương gia lợi dụng cơ hội để tranh giành vương vị, trong đó nổi bật là người con trai trưởng của Thái Tông và em trai ông ta là Đa Nhĩ Cổn. Để ngăn chặn chú cháu đánh nhau, Hoàng thái hậu Hiểu Trang đã lập con trai mình là Phúc Lâm lên làm vua, lấy hiệu là Thuận Trị. Do dã tâm của Đa Nhĩ Cổn không thay đổi, trong khi đó, thế lực của Thuận Trị non yếu gần như bất lực nên để bảo toàn vương vị cho con trai, Hiểu Trang hoàng hậu đã chủ động kết hôn với Đa Nhĩ Cổn. Từ đó, Nhĩ Cổn không thể thực hiện được dã tâm đoạt ngôi báu. Mấy năm sau Cổn chết, các đại thần đồng loạt dâng sớ tố cáo tội trạng của y. Thuận Trị cho xóa bỏ các tước vị của Cổn, phá lăng mộ và đưa các thân tín của y ra xét xử công khai. Vương vị của Thuận Trị vững vàng tuyệt đối.

5. Ai cũng hiểu được tầm quan trọng của người hiền tài trên chặng đường lập nghiệp. Những người lãnh đạo càng cần người tài hơn ai hết để giúp họ thành công. Nhân tài luôn quyết định sự hưng vong của quốc gia đối với bất kỳ vương triều, chính phủ nào. Nhưng chọn hiền tài, dùng hiền tài và nghe kế sách của họ thì không phải ai cũng thực hiện được tốt. Hòang đế khai quốc triều Tống là Triệu Khuông Dận rất tin dùng các hiền tài, trong đó có Triệu Phổ. Nhiều việc Khuông Dận còn tìm đến nhà Phổ lúc đêm hôm để lấy ý kiến, cùng bàn bạc. Nhờ nghe theo các kế sách đó mà Khuông Dận đã lần lượt thu lại Kinh Hồ, diệt Hậu Thục, thôn tính Nam Hán, chiếm Nam Đường, giành lại hết giang sơn.

6. Tuy nhiên, sự ham muốn thành công và quyền lực thái quá sẽ dẫn đến cực đoan, khiến cho con người trở thành ích kỷ, độc đoán và tàn bạo, bất kể đàn bà hay đàn ông đều không khác gì nhau. Thời nhà Thanh, Từ Hi vốn là một quý nhân. Sau khi vua Hàm Phong chết có di chiếu cho con trai 6 tuổi lên ngôi, cử 8 đại thần phò chính. Từ Hi đã thực hiện đảo chính, lần lượt giết hết 8 đại thần này rồi buông rèm nhiếp chính. Từ Hi thường xuyên ra chiếu lệnh, giả chữ ký của ấu đế để loại bỏ các vị quan nào không đồng ý kiến với mình. Khi hoàng đế Quang Tự đủ 19 tuổi, Từ Hi ra vẻ trao lại quyền hành cho nhà vua nhưng vẫn nắm thực quyền quyết định triều đình, khiến cho mâu thuẫn giữa Từ Hi và Quang Tự càng sâu sắc. Sau chiến tranh Trung - Nhật, quân Thanh thất bại, nguy cơ bị xâm lược hiện rõ, phái tư sản đã nhờ danh nghĩa của Quang Tự thực hành biến pháp duy tân. Từ Hi đã thẳng tay giam Quang Tự vào tù, rồi sau hại chết con đẻ của mình để độc quyền ngôi vị.

Đ.H.L