Vì đâu nên nỗi?
Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 29/08/2011
Sau đó, chị bị suy thận, được chuyển sang cơ sở y tế chuyên khoa về tiết niệu với chi phí cho ca phẫu thuật là 35.000 đô la Singapore (khoảng 460 triệu đồng). Tiền mất nhưng bệnh không khỏi, chị T. trở về nước, điều trị nối thành công niệu quản với bàng quang tại BV Việt - Đức (Hà Nội) mà chỉ phải tốn 9,3 triệu đồng tiền Việt.
Tiền đi, bệnh ở lại
Mặc dù ngành y tế trong nước đã làm chủ được hầu hết các lĩnh vực điều trị, từ ghép tạng đến phẫu thuật nội soi, chẩn đoán hình ảnh… nhưng vì chưa tin tưởng hoặc không hài lòng về môi trường bệnh viện (BV), không chấp nhận tiêu cực phí khi điều trị nên ngày càng có nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí cao hơn gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Các bác sĩ Việt Nam có đủ trình độ tiến hành nhiều ca phẫu thuật khó. Ảnh: Thu Giang |
Hiện nay, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn, các dịch vụ làm cầu nối đưa bệnh nhân đi chữa bệnh ở nước ngoài ngày càng nhiều. Điểm đến chủ yếu là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ… Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người bệnh trong nước đi chữa bệnh tại các BV ở Singapore (chưa kể các nước khác) với chi phí hơn 1 tỷ USD.
Tại hội nghị chuyên ngành phẫu thuật ngoại khoa mới đây, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt - Đức không khỏi chạnh lòng khi các thầy thuốc của BV đã nhiều lần phải "sửa sai" cho những bệnh nhân sính ngoại, thiếu tin tưởng vào thầy thuốc Việt Nam, ra nước ngoài chữa bệnh nhưng lại trở về trong tình cảnh "tiền mất tật mang". "Có những đợt BV tiếp nhận cùng lúc 5 trường hợp ghép gan đến điều trị, có người chỉ sống được 27 ngày, còn người sống lâu nhất là 6 tháng". Theo GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, các cơ sở nước ngoài mà bệnh nhân nước ta đến khám thường chỉ là hạng 2, hạng 3 nên không thể có trung tâm chuyên khoa đầy đủ, khó có êkíp thầy thuốc giỏi. Nếu so sánh với các dịch vụ chữa bệnh ở nước ngoài, chi phí ở các BV Việt Nam rẻ hơn nhiều. GS.TS Nguyễn Tiến Quyết dẫn chứng: "Chẳng hạn một ca ghép gan ở nước ngoài chi phí tới 3,5 tỷ đồng thì ở BV Việt - Đức chỉ là 1 tỷ đồng; phẫu thuật cột sống ở nước ngoài khoảng 1,2 tỷ đồng thì ở đây chỉ mất trên 100 triệu đồng; chụp PET/CT ở BV chỉ 28 triệu đồng thì ở nước ngoài là 56 triệu đồng… Không chỉ chi phí điều trị rẻ mà hiệu quả điều trị cũng rất cao. BV Việt - Đức đã ghép thành công 53 ca ghép thận, 4 ca ghép gan, 1 ca ghép tim và 2 ca ghép van tim. Đến nay, các bệnh nhân vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, cuộc sống sinh hoạt bình thường. Tại Việt Nam, bệnh nhân ghép gan đầu tiên ở BV Việt - Đức vẫn sống khỏe mạnh sau hơn 4 năm".
"Trình" giỏi mà thiếu tiện nghi…
Theo nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, chất lượng chăm sóc sức khỏe ở các tuyến hiện nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, tuy vậy một bộ phận người dân vẫn chọn đi khám bệnh nước ngoài vì họ chưa có được thông tin về những tiến bộ y học vượt bậc mà Việt Nam đã đạt được. Mỗi khi bị bệnh, nhất là bệnh khó, họ không biết đến đâu để được chữa hiệu quả nhất. Thực tế, với tất cả kỹ thuật khó, từ ghép tạng đến mổ tim bẩm sinh dị tật phức tạp, điều trị ung thư, các phương pháp nội soi, ngoại khoa khác… trình độ xử lý của bác sĩ Việt Nam được đánh giá là tương đương với trình độ của các nước phát triển trên thế giới.
Khẳng định tay nghề của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh, tất cả các loại ung thư đều được chẩn đoán và điều trị tốt tại Việt Nam trong các cơ sở điều trị chuyên khoa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với một số loại bệnh ung thư di căn não, ung thư thực quản, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung... kết quả điều trị tại Việt Nam được xếp ngang bằng với các nước trên thế giới.
Lý giải về việc người bệnh chưa tin vào tay nghề của các thầy thuốc trong nước, nhiều bác sĩ thẳng thắn: "Chúng ta mất bệnh nhân là đúng! Nói đến BV trung ương, BV chuyên khoa là thấy quá tải. Đến khám cũng phải qua "cò mồi", vào viện có khi 3, 4 bệnh nhân/giường. Các bác sĩ không đủ thời gian để khám kỹ cho từng người bệnh. Các BV mới chỉ đáp ứng việc điều trị tích cực, còn những khâu khác như chăm sóc, dinh dưỡng, tư vấn… lại rất hạn chế".
Rõ ràng là bệnh nhân nào cũng muốn được chăm sóc chu đáo, song hầu hết BV trong nước đều chưa đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của người bệnh, chất lượng chăm sóc bệnh nhân còn nhiều vấn đề đáng bàn, nạn tiêu cực phí còn xảy ra khá phổ biến... Đó chính là nguyên nhân khiến người bệnh chọn cách ra nước ngoài, bất chấp rủi ro, tốn kém.