Nhẫn nhịn vì “xấu chàng hổ ai”?

Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 29/08/2011

(HNM) - Gia đình là cái nôi của hạnh phúc, nơi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về tìm kiếm bình yên của mỗi con người. Nhưng, trong nhiều trường hợp, bạo lực đã biến gia đình thành


Nhận thức hạn chế hay sự thỏa hiệp?


Chia sẻ niềm vui, chung sức xây dựng gia đình hạnh phúc là giải pháp tốt nhất đẩy lùi các hành vi bạo lực.  Ảnh: An Nết

Bạo lực gia đình đang ngày càng gia tăng với nhiều hình thức. Theo một kết quả điều tra gần đây, trong số được hỏi thì cứ 5 gia đình có một xảy ra tình trạng bạo lực. Theo PGS-TS.Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, điều nghịch lý là một số loại hành vi bạo lực trong gia đình được nhiều người, kể cả phụ nữ coi là chấp nhận được. Chẳng hạn, gần đây, theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 45% nữ và 45,1% nam trong số được hỏi coi hành vi mắng chửi là "có thể chấp nhận được trong cuộc sống gia đình". Tỷ lệ này đối với hành vi tát là 7,9% với nữ và 8,4% với nam. Đáng lưu ý là không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ giới về quan niệm này; thậm chí, tỷ lệ chấp nhận hình phạt (đánh/ mắng/chửi) khi mắc lỗi của người phụ nữ - đối tượng chính của hành vi bạo lực gia đình lại cao hơn nam giới.

Sự thỏa hiệp với hành vi bạo lực của người đàn ông trong gia đình và tự nhận lỗi lầm về phía mình của người phụ nữ là điều kiện nuôi dưỡng bạo lực gia đình. Một phụ nữ ở Tây Tựu, Hà Nội cho biết: "Cãi nhau, đánh nhau trong gia đình là do đàn bà cả đấy. Nếu không cãi lại thì chồng nó cũng chẳng đánh". Quan điểm này cũng có ở nhiều phụ nữ khác, không phải ai cũng nhận thức rõ rằng quan điểm thỏa hiệp ấy đồng nghĩa với việc người phụ nữ đã tự hạ thấp quyền được bày tỏ ý kiến ngang hàng với nam giới, tự đặt mình vào vị trí thấp hơn. Một nạn nhân nữ ở Tiền Giang phát biểu: "Theo em, nếu vợ chồng nóng nảy này kia mà bị bạt tai thì chuyện đó cũng bình thường. Chỉ khi có án mạng hay thương tích thì chuyện đó mới không bỏ qua được".

Điều đáng nói là nhận thức của các cán bộ hội phụ nữ, những người có trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân của bạo lực tại cộng đồng cũng không hơn là mấy. Một cán bộ Hội Phụ nữ cho rằng: "Theo tôi, hành vi gây hậu quả đến mức độ nào mới được coi là ngược đãi. Một cái tát thì chưa đến mức ấy". Một cán bộ phụ nữ cấp huyện còn hiểu sai vấn đề: "Nếu đàn ông ngoại tình, khiến người vợ phải suy nghĩ, bị ảnh hưởng về mặt tinh thần thì đó mới là ngược đãi. Còn nếu người vợ không biết, không phải suy nghĩ thì không phải là ngược đãi". Kiểu quan điểm ấy đã kéo dài tình trạng "sống chung với bạo lực" của phụ nữ.

Khi nói về bạo lực, người ta nghĩ nhiều đến việc dùng sức mạnh để gây thương tích hơn là hành vi gây đau đớn về tinh thần. Kết quả điều tra mới nhất cho thấy, 90% cán bộ và phụ nữ được phỏng vấn coi những hành vi tấn công về thể chất là bạo lực nhưng chỉ có 30% coi các hành vi gây đau đớn về tinh thần là hành vi bạo lực nghiêm trọng.

Cam chịu, sống cùng bạo lực

Nhận thức sai lệch về bạo lực khiến nhiều phụ nữ chấp nhận sống chung với bạo lực. Trong nghiên cứu can thiệp tại Hà Nội của Hội đồng Dân số và Sở Y tế Hà Nội, một nữ cán bộ huyện cho biết: Phụ nữ thường nghĩ "xấu chàng hổ ai" nên vẫn thương chồng và tìm cách biện minh cho hành động của chồng, tự thấy mình vẫn có thể chịu đựng được". Hầu hết phụ nữ, kể cả đối tượng không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình lẫn những người từng là nạn nhân của bạo lực gia đình đều cho rằng phụ nữ nên chịu nhịn, bỏ qua sự ngược đãi không nghiêm trọng và không thường xuyên. Chỉ khi nào bạo lực thực sự nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng thì phụ nữ mới buộc phải hành động.

Điều gì khiến nhiều phụ nữ chấp nhận sống trong bạo lực? Kết quả khảo sát cho thấy 47% nhẫn nhịn vì xấu hổ, muốn giữ tiếng tăm cho gia đình; 39% coi đó là việc riêng trong nhà và 16% nghĩ rằng có nói ra cũng không ai có thể giúp được họ. Trong số những phụ nữ từng nghĩ đến ly hôn như một giải pháp trốn chạy bạo lực, hầu hết cuối cùng vẫn chấp nhận chung sống với bạo lực, vì nghĩ đến con cái hoặc lo sợ đổ vỡ.

Nhận thức hạn chế của chính quyền địa phương cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cam chịu. Nhiều cán bộ địa phương chỉ quan tâm đến những trường hợp xung đột nghiêm trọng, hậu quả rõ ràng chứ ít để ý đến những vụ va chạm nhỏ. Chủ trương hòa giải là điều tốt nhưng nếu thiếu những giải pháp cụ thể và cách giải quyết kiên quyết khi tình thế đòi hỏi thì không khác gì thỏa hiệp với bạo lực. Thật đáng tiếc là tình trạng ấy xuất hiện ở nhiều nơi và vì thế, sự can thiệp của chính quyền để bảo vệ người phụ nữ còn rất mờ nhạt.

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực trong gia đình, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, từ cơ quan bảo vệ luật pháp đến cộng đồng dân cư, các tổ chức tư vấn… Tuy nhiên, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng là quan trọng nhất. Vì chỉ khi đó, các hoạt động can thiệp mới thực sự có hiệu quả.

Lâm Vũ