Cuộc đổi thay nhiều dang dở
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:37, 29/08/2011
Quân nổi dậy vui mừng khi chiếm được dinh thự Bab Al-Aziziyah ở Tripoli. |
Từ khi cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra (ngày 15-2) và trải qua hơn 6 tháng xung đột, cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này vừa tạm lắng đã kịp để lại cho đất nước vô vàn khó khăn. Hình ảnh lực lượng phe nổi dậy phấn khích tràn ra đường nổ súng và đập phá ăn mừng đã không làm dư luận vợi bớt nỗi lo về một thảm họa nhân đạo đã ở ngay phía trước quốc gia bộ lạc này. Đó là sau hơn 6 tháng xung đột, hàng nghìn người vô tội đã thiệt mạng, hàng trăm nghìn người dân Libya lâm vào cảnh thiếu đói, các bệnh viện quá tải và khoảng 50 tỷ USD đã bay theo những biến cố khôn lường... Nhưng đây chưa phải là cái giá cuối cùng; nhiều bất ổn của thời kỳ hậu M.Gaddafi mới thực sự khiến dư luận lo ngại. Cuộc khủng hoảng vừa qua đã làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế Libya, phá hủy nền công nghiệp dầu mỏ xương sống của nước này, gây chia rẽ giữa hai miền Đông - Tây. Thủ đô Tripoli, trung tâm văn hóa, tài chính của quốc gia bị tàn phá nặng nề. Nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu nhờ nguồn thu từ dầu khí giờ đây bị lung lay tận gốc rễ khi hầu hết các mỏ dầu đã bị phá hủy, thậm chí bị bom đạn san phẳng. Phải cần rất nhiều thời gian đất nước Libya mới có thể gượng dậy được.
Một đánh giá chua xót đã được đưa ra khi cuộc khủng hoảng vừa qua đi rằng, Libya từng là một trong những quốc gia có GDP tính theo đầu người cao nhất châu Phi, có hệ thống an sinh xã hội cao và rộng rãi đáng kinh ngạc, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và giáo dục thì nay sẽ phải chọn ở vị trí cuối. Đây là cái giá cho sự "tự do" chưa thấy sau cuộc bạo lực lật đổ chính quyền 42 năm tuổi của Tổng thống M.Gaddafi mà người dân của đất nước bộ lạc sẽ còn thấm thía dần trong những ngày tới.
Cho dù số phận của ông M.Gaddafi vẫn còn là ẩn số và thời đại của nhà lãnh đạo này đã chấm hết; nhưng đến bao giờ một thời kỳ thịnh vượng mới mở ra đối với quốc gia này? Đây là một câu hỏi còn để ngỏ. Bởi, muốn ổn định và phát triển, Libya cần thực thi nhanh quá trình chuyển giao quyền lực. Trớ trêu thay, mặc dù chiếm được thủ đô Tripoli (với sự hỗ trợ của phương Tây), nhưng đội quân nổi dậy xem ra không có được một "thủ lĩnh" đủ uy tín thống nhất các phe phái. Dù chiến thắng nhưng phe nổi dậy vẫn chỉ là một tập hợp những nhân vật có quan điểm chính trị khác biệt gắn với những lợi ích mang tính bộ lạc. Ngoài những người chạy sang từ chính phủ cũ, ngay trong Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC), được nhiều nước công nhận, một cuộc chiến quyền lực cũng đã diễn ra. Cái chết của nhà lãnh đạo quân sự phe nổi dậy ngay trước cuộc tấn công Tripoli nổ ra đã cho thấy điều đó. Bởi vậy, việc có một quốc hội, một chính phủ và các cơ quan công quyền… thống nhất sẽ là bài toán nan giải đầu tiên ở Libya thời hậu khủng hoảng. Ngoài ra, dù chính thể của ông M.Gaddafi đã sụp đổ, nhưng sau hơn 4 thập kỷ tại vị, nhà lãnh đạo này vẫn còn rất nhiều lực lượng trung thành. Do đó, các quyền lợi nếu không được dung hòa, Libya sẽ lại rơi vào một cuộc đối đầu mới và đây là điều đã được cảnh báo. Vì vậy, chỉ khi nào các lực lượng đang là người chiến thắng hôm nay tìm được tiếng nói chung về hòa bình và lợi ích bộ lạc - như một truyền thống tại Libya thì cánh cửa hy vọng cho tương lai của đất nước này mới có thể được mở.
Lực lượng nổi dậy không thể hạ bệ chế độ M.Gaddafi nhanh chóng đến vậy nếu như không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhiều nước phương Tây với các quyền lợi riêng tại vựa dầu Bắc Phi này. Và, đây sẽ là vấn đề mà Libya thời hậu chiến phải đối mặt với tất cả sự phức tạp khó đoán. Một Libya dang dở, ẩn chứa nhiều biến động khôn lường là một kết cục được dự báo.