Bàn “Chén thuốc độc”, nghĩ về Vũ Đình Long

Văn hóa - Ngày đăng : 06:57, 28/08/2011

(HNM) - Một cuộc hội thảo về tác gia sân khấu, nghiệp chủ báo chí Vũ Đình Long mang tên "Vũ Đình Long - Cuộc đời và sự nghiệp" vừa diễn ra tại Cao Dương, Thanh Oai, do Hội Nhà văn Hà Nội và quê hương Cao Dương tổ chức. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà quản lý đã tham gia.


Hànộimới xin ghi lại những ý kiến tham luận góp phần làm nổi bật thân thế và sự nghiệp Vũ Đình Long, trong đó có những điều mà nhiều người trong chúng ta chưa biết tới.

Vũ Đình Long - “Người kéo màn” cho sân khấu Việt Nam hiện đại. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng

Giai đoạn đầu thế kỷ XX chứng kiến sự giao hòa nhộn nhịp giữa các dòng chảy văn hóa, trong đó có sân khấu. Các ông Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Ngọc (hai anh em), Đỗ Thận chung tiền, mời cổ đông lập ra rạp hát Sán Nhiên Đài ở phố Đào Duy Từ, lần đầu tiên đem chèo từ chiếu sân đình vào "sân khấu hộp". Đến ngày 22-10-1921, tại Nhà hát Lớn, "Chén thuốc độc", vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam công diễn. Mới đây, nhân 90 năm sự kiện này, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết sẽ tạo điều kiện để vở diễn trên được tái xuất.

Tác giả "Chén thuốc độc" là ông Vũ Đình Long (1896-1960), quê Cao Dương, Thanh Oai. Sau thời kỳ dạy học, làm thuốc và hoạt động sân khấu, ông trở thành nghiệp chủ báo chí lớn, với nhà in Tân Dân, các tờ "Tiểu thuyết thứ bảy", "Phổ thông bán nguyệt san", "Tao đàn"… "Tập đoàn truyền thông" của Vũ Đình Long góp phần làm nên nhiều tên tuổi văn chương, cạnh tranh với báo "Phong hóa" của anh em Nhất Linh, làm nên một cuộc huyên náo trong đời sống văn hóa đô thị.

Cuộc hội thảo mới đây của Hội Nhà văn Hà Nội và xã Cao Dương quê hương ông cho thấy nhiều điều mới mẻ. GS Phong Lê cho rằng trước khi công diễn "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long ở Nhà hát Lớn, Hà Nội mới chỉ thấy diễn một số vở kịch Tây như "Bệnh tưởng", "Trưởng giả học làm sang" của Moliere, với dàn diễn viên là trí thức ở đẳng cấp cao như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Huy Lục… Cũng cần nói thêm, việc diễn kịch là nhằm làm việc thiện, như quyên góp giúp dân bị lụt, giúp trẻ mồ côi, chứ không phải là hoạt động có tính chuyên nghiệp… Sau "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long, kéo dài suốt những năm ba mươi của thế kỷ XX, cuộc hành trình của nền sân khấu mới cũng chỉ lác đác dăm ba người hành nghề theo lối nghiệp dư… Một số vở của Vi Huyền Đắc, kể từ "Uyên ương" (1927), "Hoàng Mộng Điệp" (1928), qua "Kinh Kha" (1935) cho đến "Kim Tiền", "Ông Ký Cóp" (1938), rồi của Đoàn Phú Tứ như "Những bức thư tình" (1937), "Mơ hoa", "Ghen", "Ngã ba" (1941-1943) tuy có tiếng vang nhất định trong một số ít công chúng, nhưng xem ra hoạt động của họ vẫn chưa ra khỏi một cuộc chơi tài tử, gắn với các ban kịch tài tử…. Trong cuộc cạnh tranh, chen vai với toàn bộ các loại hình sân khấu truyền thống, sân khấu kịch nói đã giành được đất sống không phải bằng một cuộc chiến để thủ tiêu nhau mà là một cuộc tranh đua để cùng nhau tồn tại. Và sự chung sống bên nhau đó đã kéo dài suốt thế kỷ, cho đến nay, trong khi số lớn thể thơ cũ và lối văn cũ đều đã yên vị trong các bảo tàng.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt vấn đề kịch nghệ mới này khác với kịch nghệ cũ ở chỗ nào? Ông Dương Nhữ Tiếp, Hội trưởng Hội đồng diễn kịch, trong lời phát biểu trước buổi công diễn "Chén thuốc độc" đã nói rõ: "Chúng tôi vốn cảm nhiễm cái văn hóa mới nước Pháp thường nhiệt tâm về việc cải lương hý kịch ở nước ta ngày nay, trông thấy các hý trường từng diễn theo một lối hát cổ của tiền nhân ta để lại, cái cách diễn chẳng qua là đem những điển cố xưa mà phác họa ra trên sân khấu, không có một chút gì là tả chân được các cảnh tượng thiên nhiên thích hợp với thời đại phong tục. Cái lối diễn kịch cổ ấy, không phải là không hay, song nó hay một cách mập mờ, không đúng với sự thực". Cho nên "Chén thuốc độc" là bước thí nghiệm thứ nhất, "một bản tuồng tả phong tục An Nam diễn theo đúng thể cách An Nam". Như vậy, kịch nghệ mới xét về nội dung là nói người và việc của hiện tại, của đời sống thực. Đứng ở tính chất bộ môn nghệ thuật thì kịch nghệ mới là kịch nói.

Với góc nhìn khác, dịch giả Cao Việt Dũng nêu: Cũng trong thời gian tản cư xa Hà thành (1943), Vũ Đình Long đặc biệt tập trung "Việt Nam hóa" các vở kịch của Pháp. Ông nói về chủ trương của mình: "Nguyên tắc Việt Nam hóa của chúng tôi là dịch sát nguyên văn hay dịch tự do tùy tiện, cố gắng giữ lấy thật nhiều cái đẹp, cái hay của nguyên tác, thêm bớt, thay đổi, cắt xén… biến vở kịch nước ngoài thành vở kịch Việt Nam. Một vở kịch Việt Nam hóa như thế có khuyết điểm, nhưng theo chủ quan của chúng tôi, thì cũng có một số ưu điểm đáng kể, là gần ta hơn, dễ thông cảm hơn, truyền cảm hơn, sâu sắc hơn và dễ diễn xuất hơn là kịch dịch thẳng theo nguyên bản… Nếu thể hiện không đúng, nếu màu mè điệu bộ cử chỉ dáng dấp… của nghệ sĩ diễn viên còn có chỗ lai căng, thì sẽ làm trò cười cho khán giả ngoại quốc".

Và theo TS. Phan Trọng Thưởng thì vào năm 1958, trước khi mất 2 năm, theo di bút của tác giả, ngày Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sĩ thi đua Công - Nông - Binh toàn quốc cũng là ngày Vũ Đình Long khởi thảo vở kịch 4 hồi "Ép duyên" hay là "Trên đường cải tạo". Có lẽ đây là nỗ lực sáng tạo cuối cùng xác nhận thái độ của ông đối với công cuộc cải tạo XHCN được tiến hành vào thời điểm này. Mâu thuẫn kịch tuy không gay gắt quyết liệt, nhưng nó lại phản ánh được phần nào hoàn cảnh, những tâm trạng khá thực trong đời sống đất nước, đặc biệt là của tầng lớp tiểu tư sản thành thị vốn là đối tượng chủ yếu của công cuộc cải tạo thời kỳ này.

Hoàng Định