Nghề chẻ tăm ở Quảng Phú Cầu
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 28/08/2011
Tiếp đến, từ 3 giờ chiều đến 7-8 giờ tối, đội xe này lại chạy hết công suất để thu gom tăm ở các hộ về các xưởng đánh bóng và sơ chế… Sau bữa cơm tối, người dân Quảng Phú Cầu lại vào guồng quay của làng nghề cho tới tận đêm khuya.
Những "hội" kiếm tiền
Đến thăm nhà chị Lê Thị Thu ở thôn Phú Thượng thấy một nhóm chị em ngồi chẻ tăm hết sức đông vui. Xen lẫn tiếng lách cách pha tăm, tiếng cười giòn tan của những cô gái, chị Thu vui vẻ cho biết: Người dân ở đây gọi đi chẻ tăm là đi ngồi, cứ nhà nào rộng rãi là mọi người mang dao, nứa đến làm cùng là thành hội. Có rất nhiều hội: hội của đàn ông, hội của đàn bà, hội người già, hội con gái. Mỗi hội có sở thích, chủ đề nói chuyện riêng: người già nói chuyện con cháu, chuyện tâm linh; đàn ông con trai bàn chuyện thể thao, bóng đá; mấy cô, mấy chị thoải mái nhỏ to "buôn" chuyện gia đình, chuyện trên trời dưới biển… Mỗi ngày mỗi người cũng được tiền công gần trăm nghìn đồng. Vừa thoăn thoắt chẻ tăm, bà Nguyễn Thị Lụa thôn Cầu Bầu cho hay, việc chẻ tăm đơn giản, dành cho tất cả mọi người, ai thất nghiệp về đây làm là khắc có tiền. Con gái nơi khác lấy chồng làng này cô nào cũng béo hồng, trắng trẻo hẳn lên vì suốt ngày ngồi trong nhà chẻ tăm, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu.
Làm tăm tre ở Quảng Phú Cầu. |
Không nhẹ nhàng như ở các hội, không khí tại xưởng sơ chế, sản xuất tăm tròn của ông Lê Văn Uynh, thôn Phú Thượng khá bụi bặm và ồn. Bù lại, thu nhập của người lao động có cao hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Uynh cho biết: "Sản xuất tăm tròn đa số bằng nứa khô nên rất bụi và khá vất vả. Mặc dù công việc đều nhưng chúng tôi trả lương theo ngày bằng cách khoán sản phẩm, phải như vậy công nhân họ mới cố gắng. Người làm ít cũng được 2 triệu đồng/tháng, người làm nhanh, đều việc thu nhập 3 triệu đồng/tháng là bình thường". Nghề chẻ tăm nơi đây thu hút hơn 90% số hộ tham gia và khoảng 1.500 đến 2.000 lao động ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An làm việc.
Trên 200 tấn rác đốt bỏ mỗi ngày
Mỗi ngày xã Quảng Phú Cầu sử dụng từ 300 đến 350 tấn nứa, vầu các loại. Với các sản phẩm đòi hỏi ngày càng cao của thị trường như tăm tròn xuất khẩu, tăm VIP… chỉ dùng 20 đến 30% làm thành phẩm, còn lại thải thành rác. Tính trung bình, mỗi ngày xã Quảng Phú Cầu thải ra từ 200-250 tấn rác phế phẩm của tre, nứa vầu. Những năm trước đây, đến 70% phế phẩm này được người dân trong vùng tận dụng làm củi đun nhưng nay gần 100% hộ dân trên địa bàn sử dụng bếp ga thay thế bếp đun truyền thống nên số rác thải này chỉ được thu gom để mang ra kênh mương, ven đường… đốt khi trời về khuya.
Ông Nguyễn Hữu Nhuận, Phó Chủ tịch xã Quảng Phú Cầu cho biết, nhìn hàng trăm tấn rác thải từ tre, nứa, vầu bị đốt bỏ vừa gây ô nhiễm môi trường, gây tắc nghẽn kênh mương, làm không khí làng quê ngột ngạt… chúng tôi tiếc lắm, chỉ mong các nhà máy giấy hoặc DN nào đó đến thu gom. Các hộ cho không, thậm chí chính quyền địa phương sẵn sàng vận động nhân dân, thu gom, tập kết vào các nơi tiện đường giao thông dễ vận chuyển. Trước đây, nếu chẻ tăm truyền thống bằng tay với các loại sản phẩm đơn giản thì tỷ lệ rác thải chỉ vào khoảng 50% nhưng nay làm nhiều sản phẩm cao cấp nên phế phẩm bỏ đi có loại lên tới 80%, có nghĩa là cứ 100kg nứa, vầu sau khi chẻ chỉ lấy được 20kg thành phẩm còn lại biến thành rác. Trước đây, dân quanh vùng còn đến mua các loại bọng nứa, cật nứa để về đun với giá từ 100 đến 200 đồng/kg, nay cho không cũng chẳng ai lấy. Rồi có dạo, nhà máy giấy ở huyện Thường Tín đến thu gom, xã hình thành một đội chuyên đi thu gom mùn, bọng nứa… bán lại cho nhà máy nhưng cũng chỉ một thời gian nhà máy hoạt động không hiệu quả nên thôi.
Cùng với sự trù phú, giàu có của làng nghề, Quảng Phú Cầu cũng không thoát thực trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng. Đó là do bà con làm nghề phải mang nứa ra các sông, kênh, rạch ngoài đồng có nước để ngâm. Nhiều hộ gia đình cải tiến hơn thì xây bể, mua thùng tôn bơm nước giếng khoan lên ngâm. Bình quân mỗi ngày có vài trăm tấn nứa được đưa về xã qua sơ chế sau đó được ngâm nhiều ngày trong nước. Nước ngâm nứa đen ngòm, mùi nồng nặc nhưng các hộ dân đổ trực tiếp ra hệ thống tiêu thoát của xóm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...