Những vấn đề cần gấp rút triển khai

Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 28/08/2011

(HNM) - Sự phong phú, đa dạng của các loại hình doanh nghiệp (DN) đã và đang tác động sâu sắc tới việc hình thành phương thức hoạt động của tổ chức đảng (TCĐ) trong DN. Làm thế nào để TCĐ trở thành hạt nhân lãnh đạo, thúc đẩy DN phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước?



Hội thảo khoa học "Nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả hoạt động của TCĐ trong các loại hình DN" do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hôm qua (27-8) tại Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp.

Sự cố gắng được ghi nhận

Theo PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, tính đến ngày 31-12-2010, cả nước có 10.991 DN thành lập được TCĐ trong tổng số 544.394 DN đăng ký hoạt động. TCĐ khu vực này đã đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ SXKD, ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel…, TCĐ đã khẳng định vai trò lãnh đạo và hoạt động hiệu quả. Ở những DNNN này, đảng viên đảm nhận vai trò lãnh đạo chủ chốt của DN chiếm 94-95%, TCĐ đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp DN thực hiện 4 mục tiêu, bảo tồn nguồn vốn, có tích lũy, chăm lo đời sống người lao động và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Trong những năm qua, TCĐ Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã khẳng định vai trò lãnh đạo và hoạt động hiệu quả đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ SXKD, ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên. Ảnh: Thanh Hải

Không riêng khu vực nhà nước, nhiều TCĐ ở DN khu vực ngoài nhà nước cũng giữ vững và phát huy vai trò hạt nhân chính trị cơ sở, lãnh đạo đảng viên, quần chúng thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, thúc đẩy DN phát triển. Đảng bộ Công ty Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa, trực thuộc Đảng ủy TCT Xi măng Việt Nam) là ví dụ. Vốn nước ngoài chiếm 65%, nhưng ngay từ khi thành lập (năm 1995), TCĐ ở đây đã gắn công tác giáo dục tư tưởng cho đảng viên và người lao động với sự phát triển bền vững của công ty. Từ 5 đảng viên mới thành lập, đến nay Đảng bộ có 100 đảng viên. 15 năm qua, công ty đã cung cấp cho thị trường gần 25 triệu tấn xi măng, nộp ngân sách 1.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 12 triệu đồng/tháng.

Một điển hình khác, đó là Chi bộ Công ty CP Thực phẩm Minh Dương (đại diện duy nhất khu vực DN tư nhân của TP Hà Nội), 5 năm liên tục (2006-2010) đạt trong sạch, vững mạnh. Bí thư chi bộ Nguyễn Duy Hồng cho biết, trong DN này, TCĐ đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp DN định hướng điều hành theo đúng luật pháp. Và còn nhiều DN khác, ở đó TCĐ không chỉ khẳng định được vai trò lãnh đạo mà còn là động lực, trung tâm đoàn kết, thúc đẩy sự phát triển của DN.

Cần giải pháp gỡ khó

16 bài tham luận tại hội thảo và gửi về ban tổ chức đã phản ánh rõ thực tế, những khó khăn trong xây dựng và hoạt động của TCĐ ở mỗi loại hình DN. Theo Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Ngọc Lâm, vẫn còn 87,6% DN tư nhân không có TCĐ. Cá biệt có tỉnh, TP còn tình trạng "trắng TCĐ và đảng viên" trong khu vực này. Số đã có TCĐ thì đa phần cấp ủy chưa thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, cá biệt có nơi chỉ tồn tại một cách hình thức, trên thực tế là làm theo sự chỉ đạo, điều hành của ban giám đốc, chủ DN. Ở không ít TCĐ ở DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài rất lúng túng trong việc xác định nội dung, phương thức hoạt động, chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo nhiệm vụ SXKD và công tác cán bộ. Qua khảo sát, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ DN tư nhân e ngại việc có TCĐ trong DN của mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và chất lượng hoạt động của TCĐ cũng như việc phát huy vai trò tiền phong của người đảng viên ở khu vực này.

Nhận định về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Phúc cho rằng, công tác xây dựng đảng cả về lý luận lẫn tổ chức chỉ đạo trong thực tiễn ở từng loại hình DN chưa tìm được những lời giải thỏa đáng. Đây là sự lúng túng về nhận thức, thiếu dự báo về công tác xây dựng đảng trong tình hình mới để có cả chiến lược, sách lược, kế hoạch, giải pháp, nội dung lẫn phương thức tiến hành. Bên cạnh đó, phải thừa nhận các cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác này.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của TCĐ trong DN ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn là vấn đề khó nhưng cần phải làm ngay. Các đại biểu cho rằng, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để cán bộ, đảng viên, chủ DN thấy rõ vị trí, vai trò của TCĐ. Tiếp đó là hoàn thiện mô hình TCĐ, các đoàn thể nhân dân, bảo đảm rõ vai trò lãnh đạo của TCCSĐ; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy có năng lực lãnh đạo. Việc tiếp theo là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong DN, quan tâm phát triển đảng viên và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của từng đảng viên.

Cả nước hiện có 10.991 TCĐ ở các loại hình DN với 409.806 đảng viên. Trong đó, các DNNN có 4.732 TCĐ; công ty cổ phần, công ty TNHH nhà nước sở hữu 50% vốn điều lệ trở xuống có 4.307 TCĐ; DN có vốn nhà nước liên doanh với nước ngoài 202 TCĐ; DN tư nhân 1.591 TCĐ và DN 100% vốn đầu tư nước ngoài có 207 TCĐ... So với số TCĐ và đảng viên trong toàn Đảng, thì TCĐ trong DN chiếm 19,56%; đảng viên trong DN chiếm 11,07%. Hiện còn 155 DNNN chưa có TCĐ; số DN có đảng viên nhưng chưa có TCĐ là 118. Đặc biệt, vẫn còn 87,6% DN tư nhân chưa có TCĐ...

Lê Hoàn