Liệu có ngăn dòng lũ dữ?
Thế giới - Ngày đăng : 05:57, 28/08/2011
Đây được coi là nỗ lực mới nhất nhằm ổn định nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới trong bối cảnh nước này chưa hết chao đảo sau tin đồn thất thiệt về khả năng ngân hàng lớn thứ hai Société Général phá sản và nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm.
Kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” có thể sẽ lại kích hoạt các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố của Pháp. |
So với nước láng giềng Italia, tình hình kinh tế Pháp chưa đến nỗi quá bi đát, nhưng trong bối cảnh khủng hoảng chung, những vấn đề về ngân sách cần phải được Paris xử lý nhanh chóng để "ngăn dòng lũ dữ". Bằng không Pháp sẽ bị đẩy lên tuyến đầu của cuộc khủng hoảng nợ công đang làm rung chuyển Lục địa già. Vì hiện tại, nợ công của nước này đã vọt lên trên 1,84 tỷ euro, tương đương với 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi thông thường, mức nợ cho phép chỉ trong khoảng 60-70%. Trong quý II vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Pháp giậm chân ở mức 0,0%. Các thống kê cho thấy từ tháng 5 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã tăng trở lại trên mức 9%. Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng trong năm nay cũng vừa bị hạ xuống 1,75% từ mức 2%. Những con số này đã đưa đến những dự cảm không tốt lành đối với tương lai của nền kinh tế Pháp.
Mặc dù gần đây, 3 hãng xếp hạng tín dụng lớn của thế giới vẫn công nhận hạng AAA của Pháp, nhưng những chỉ số trên thị trường đều cho thấy giới đầu tư ngày càng tỏ ra lo ngại về nguy cơ Pháp sẽ "gia nhập" nhóm mắt xích yếu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha. Bằng chứng là chi phí bảo lãnh vỡ nợ của Pháp đã cao hơn các nước: Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Mexico, Cộng hòa Séc...
Kế hoạch kinh tế mới mà Chính phủ Pháp công bố cho thấy, Paris sẽ siết chặt các khoản chi tiêu, nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách từ 5,7% GDP năm 2011 xuống còn 4,6% năm 2012 và 3% năm 2013 đúng với quy định của Liên minh châu Âu. Một cách cụ thể, trong năm nay, Pháp phải tìm ra được 4 tỷ euro để lấp vào lỗ thủng ngân sách và 10 tỷ euro cho năm 2012. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ sẽ tăng các mức thuế đối với người giàu, xem xét lại những trường hợp được miễn trừ thuế và khắc phục một số lỗ hổng về thuế quan. Một biện pháp khác là hủy bỏ các khoản miễn thuế cho các xí nghiệp trên những giờ phụ trội - từng được xem là điển hình cho chính sách của "kỷ nguyên" Nicholas Sarkozy.
Thực ra, động thái của Paris không gây ngạc nhiên trong bối cảnh hiện nay khi nhiều nước EU đã lần lượt phải "thắt lưng buộc bụng". Tuy nhiên, chính sách cắt giảm chi tiêu hà khắc có thể sẽ gặp nhiều cản trở trong thời điểm các đảng phái của Pháp đang gấp rút hoàn tất kịch bản cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm sau. Hiện tại, đã có khá nhiều tiếng nói phản đối xuất hiện từ đảng Xã hội đối lập cũng như những đảng phái khác khi cho rằng chính sách tiết kiệm mới không chỉ cho thấy sự tụt dốc của nền kinh tế, mà nó bộc lộ những kẽ hở trong quản lý của Chính phủ Pháp. Hoặc nói cách khác, chính phủ của Tổng thống Nicholas Sarkozy cần chịu trách nhiệm nhiều hơn trước thực tế xảy ra hiện nay.
Ngoài ra là vấn đề lòng tin. Sau những chán nản về các chương trình an sinh xã hội thiếu hiệu quả, cắt giảm đầu tư công, người Pháp dường như thờ ơ trước những động thái mới của chính phủ. Cũng vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách cắt giảm chi tiêu mới khó có thể trấn an người dân và cử tri Pháp khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần.