Kiểm soát chặt giá hàng thiết yếu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 27/08/2011
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, những tháng cuối năm, bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, việc điều tiết linh hoạt giá hàng thiết yếu như than, điện, xăng dầu... là một trong những mục tiêu quan trọng mà các ngành, địa phương đang tích cực triển khai.
Để kiềm chế tăng giá, các địa phương cần tích cực triển khai kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Đàm Duy |
Trong "rổ hàng hóa" tính CPI, chỉ có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng giá so với tháng trước. Đáng chú ý, CPI nhóm giáo dục tăng hơn 1% do năm học mới đến gần làm tăng nhu cầu về thiết bị học tập. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 1,35%, thực phẩm cũng chỉ tăng nhẹ so với tháng trước. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, CPI đã diễn biến trái chiều. Mặc dù giá tiêu dùng tại hai TP lớn đều giảm nhiệt so với tháng 7, song tốc độ tăng giá tại Hà Nội cao hơn TP Hồ Chí Minh. CPI tháng 8 của Thủ đô đã tăng 1,06% so với tháng trước, tăng 22,66% so cùng kỳ. Nguyên nhân, do 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa tính CPI tăng giá. Chỉ duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giá không thay đổi so với tháng trước. Nhóm có mức tăng giá cao nhất vẫn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 1,89%. Tại TP Hồ Chí Minh, CPI chỉ tăng 0,68% so với tháng trước. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có mức tăng cao nhất:1,52%. Riêng nhóm giao thông đứng giá, nhóm bưu chính-viễn thông giảm 0,15%.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù CPI tháng 8 của cả nước đã tăng thấp nhất, nhưng so với tháng 12-2010, CPI tháng 8 đã tăng 15,68%, sát chỉ tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm nay ở mức 15-17%. Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 8 đã tăng 23,02%. Để đạt chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức 17%, bốn tháng cuối năm CPI chỉ được phép tăng khoảng 0,33%/tháng. Đây là mục tiêu đầy thách thức với các ngành, địa phương, bởi theo quy luật, những tháng cuối năm là thời điểm CPI tăng cao nhất. Trước diễn biến bất thường của CPI trong những tháng qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp đồng bộ với các ngành liên quan và các địa phương trong quản lý, điều hành giá. Bộ trưởng yêu cầu các ngành chức năng rà soát giá của tất cả hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước kiểm soát giá, bảo đảm giá được vận hành theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Với những mặt hàng thiết yếu, cần kiểm soát chặt những yếu tố hình thành giá, công khai phương pháp, thông số, dữ liệu tính toán giá, nhất là với những mặt hàng nhạy cảm, như điện, xăng dầu, sắt thép, lương thực, thuốc chữa bệnh, sữa, học phí, viện phí…
Riêng với mặt hàng xăng dầu, điện, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý giá nghiên cứu, xây dựng kịch bản điều hành theo nguyên tắc: nêu rõ nguồn số liệu được sử dụng để tính toán, thẩm định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu. Với giá điện, ngoài những yếu tố làm tăng giá, Cục Quản lý giá cần lưu ý tính những yếu tố có thể làm giảm giá, như hao phí điện năng; kiểm soát chi phí của các đơn vị bán điện cho EVN; chi phí nhân công; phương pháp phân bổ chênh lệch tỷ giá… Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý giá nghiên cứu, đề xuất thanh tra các DN bán điện cho EVN để làm rõ các yếu tố chi phí khi đàm phán mua điện giá cao. Năm 2012, Bộ Tài chính sẽ đưa nội dung về giá xăng dầu, điện… vào kế hoạch thanh tra. Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì, báo cáo thông tin lãi, lỗ của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); việc ứng bù lỗ cho Petrolimex, tình hình trích lập, sử dụng và số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc kiểm soát chặt giá những mặt hàng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong kiềm chế tốc độ tăng CPI. Bởi, giá thành của những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Việc công khai các yếu tố hình thành giá xăng, dầu, điện; tính toán cụ thể những phương án điều hành giá cho phù hợp với thực tế không chỉ giúp minh bạch hóa công thức tính giá bán lẻ, hạn chế tiêu cực phát sinh mà còn tạo được sự đồng thuận từ phía người dân, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.