Nhà “triệu đô” cũng “khát” nước sạch

Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 27/08/2011

(HNM) - Dù lượng nước từ các nhà máy nước đã đáp ứng gần đủ nhu cầu nước của người dân toàn TP, tuy nhiên do mạng lưới đường ống chưa hoàn thiện nên nhiều khu vực ngay tại trung tâm TP hằng ngày vẫn phải… mua nước từ các sà lan chở đến.

"Thượng đế" cũng… "khát"!

Khu dân cư phức hợp Saigon Pearl nằm ngay trung tâm TP, sát bờ sông Sài Gòn (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh), toàn những biệt thự "triệu đô" và 3 tòa nhà chung cư cao cấp (Ruby, Topaz và Sapphire), nhưng từ năm 2009 đến nay, "thượng đế" ở đây vẫn phải… mua nước từ sà lan chở đến!

Nhiều khu nhà giữa lòng thành phố vẫn thiếu nước sạch.


Một số người dân ở Saigon Pearl cho biết, hằng ngày, sà lan của Công ty Cấp nước sẽ chở nước cập bến sông rồi bơm vào ống tiếp nước của khu dân cư. Mỗi tòa chung cư có một bể chứa, nhận và trữ nước, sau đó bơm lên từng căn hộ. Ở khu biệt thự, mỗi nhà đều phải tự trang bị các bồn Inox khoảng từ 2.000 - 3.000 lít để trữ nước. Anh Dũng, chủ một biệt thự ở khu A4 cho biết, nhà anh có một bồn chứa 2.000 lít, nhưng thỉnh thoảng vẫn không đủ nước sinh hoạt. Biệt thự của anh Phan Duy ở khu A2 cũng trang bị bồn 2.000 lít nhưng cứ dịp cuối tuần, lễ tết, tập trung đông người lại thiếu nước. Vì vậy, thức đêm chờ… bơm nước không còn là chuyện lạ với người dân khu dân cư cao cấp này.

Chưa hết, khu dân cư này không những thiếu nước mà giá nước còn rất cao. Anh Dũng cho biết, dù nhà anh chỉ sử dụng nước để sinh hoạt (hộ gia đình chứ không phải hộ kinh doanh dịch vụ) nhưng không được trả tiền nước theo đơn giá bậc thang của Công ty Cấp nước, mà chịu mức giá 10.500 đồng/m3, dù dùng nhiều hay ít. "Chúng tôi không than phiền về giá nước, nhưng dùng nước sà lan ngoài việc thấp thỏm sợ sà lan không đến, còn không yên tâm về chất lượng nước, mặc dù đây là khu cư dân cao cấp và số tiền bỏ ra mua nhà là không hề nhỏ", anh Dũng bức xúc nói.

Nhưng người dân sống ở khu Saigon Pearl cũng mới chỉ chịu cảnh thiếu nước từ… năm 2009, còn ngay bên kia đường Nguyễn Hữu Cảnh, những hộ dân ở đường Phú Mỹ (phường 22, quận Bình Thạnh) đã phải chịu cảnh thiếu nước hàng chục năm nay. Do diện tích quá nhỏ, không có chỗ để bồn chứa nước như bên Saigon Pearl, nên ở đây nhà nào cũng lỉnh kỉnh thùng, chậu đựng nước. Anh Nguyễn Văn Khá, nhà ở khu phố 1, đường Phú Mỹ, nói: "Chuyện nửa đêm hứng nước với tụi tui là thường". Không chỉ thức đêm chờ lấy nước, mà mỗi hộ đều phải sắm một máy bơm tăng áp. "Ngoài tiền nước, mỗi tháng nhà tôi còn tốn thêm khá nhiều tiền điện để chạy máy bơm", anh Khá than.

Nỗi khổ "dự án chờ dự án"
Bà Nguyễn Thị Tường Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn SSG (chủ đầu tư Saigon Pearl) cho biết, khi đầu tư dự án, SSG đã làm việc với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), được cho biết đường ống cấp nước hiện có bảo đảm đáp ứng nhu cầu của toàn bộ dự án Saigon Pearl. Thế nhưng từ năm 2009, khi Saigon Pearl hoàn thiện và người dân bắt đầu về ở thì xuất hiện tình trạng thiếu nước. Trước những phản ánh của người dân, Công ty SSG đã liên tục làm việc với Sawaco để đưa đường ống dẫn nước về đây. Tuy nhiên, do vướng dự án sửa chữa, khắc phục các hư hỏng đường Nguyễn Hữu Cảnh (do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư) nên Sawaco chưa được Sở GTVT cấp phép đào đường để lắp đặt đường ống tuyến cấp 2 đưa nước từ Nhà máy Nước Thủ Đức về đây. Và để "chống hạn", Công ty Cấp nước đã phải dùng sà lan tiếp nước tạm thời cho khu dân cư này tình trạng ấy kéo dài đến nay.

Ông Võ Quang Châu, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, các nhà máy nước của TP Hồ Chí Minh đang cung cấp hơn 1,5 triệu mét khối nước/ngày đêm. Với số lượng này có thể bảo đảm đủ nước sạch cho khu vực trung tâm. Tuy nhiên, do mạng lưới đường ống chưa hoàn thiện nên một số khu vực vẫn thiếu nước. TP Hồ Chí Minh đang triển khai dự án giảm thất thoát nước, mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn để đến năm 2015 sẽ có hệ thống mạng lưới nước hoàn chỉnh và đến năm 2025 giảm thất thoát nước từ 40% hiện nay xuống còn 25%.

Vậy là, trong khi chờ dự án hoàn thiện thì người dân nhiều nơi ở các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh… vẫn phải chịu cảnh khan hiếm nước! Thậm chí tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), ngay "đầu nguồn" (nằm kề Nhà máy Nước BOO Thủ Đức) nhưng người dân vẫn phải… xếp hàng chờ nước từ các xe bồn chở đến. Tuy nhiên, lãnh đạo Sawaco cũng cho biết, hiện Sở GTVT và Khu Quản lý giao thông số 1 đã đồng ý cho triển khai lắp đặt ống nước trước khi sửa chữa đường, dự kiến khoảng cuối tháng 9 tới cư dân khu đô thị Saigon Pearl sẽ không còn "khát nước" nữa!

Thùy Linh